Giá khí đốt châu Âu tăng hơn 30% do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga, trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn.
Giá khí đốt châu Âu tăng hơn 30% do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga, trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn.
Trong ngày 4/1, có thời điểm giá khí đốt giao trước 1 tháng theo hợp đồng của Hà Lan ở mức 99,50 euro/MWh, tăng 27,5 euro; trong khi, giá khí đốt giao trước 1 ngày có mức tăng 30,50 euro lên 97 euro/MWh. Theo chủ các doanh nghiệp, việc giá khí đốt đột ngột tăng vọt chủ yếu do nguồn cung khí đốt hạn chế từ Nga. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh giá hơn khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho hệ thống sưởi tăng cao cũng được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhiên liệu tăng.
Kể từ tháng 1/2021 đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn gấp 5 lần, khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau Covid-19.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức, Klaus-Dieter Maubach, cho biết, Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức, có thể được thông qua vào giữa năm nay. Phát biểu với giới báo chí của Đức, ông Maubach cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án quan trọng, theo đó việc thông qua dự án này có thể diễn ra vào giữa năm 2022. Ông Maubach nhấn mạnh rằng, mọi khả năng nhập khẩu thêm năng lượng đều sẽ giúp giảm bớt áp lực cho thị trường khí đốt châu Âu, tuy nhiên vẫn có những rủi ro chính trị tiềm tàng nếu vấn đề Ukraine xấu đi, hoạt động của dự án trên sẽ bị ảnh hưởng.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do phải chờ sự chấp thuận của Đức và Liên minh châu Âu (EU) theo quy định. Dự án này trước đó vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia như Ba Lan và Ukraine do cho rằng dự án sẽ khiến EU phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, quốc gia vốn đã cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khối.
Theo Báo Nhân Dân điện tử