Eurozone ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục kể từ năm 1997
Ngày 7/1, cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.
Ngày 7/1, cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.
Tỷ lệ lạm phát này tăng từ mức cao chưa từng có 4,9% trong tháng 11 năm ngoái lên mức cao nhất trong 25 năm qua, đồng thời phản ánh tác động từ việc giá năng lượng tăng vọt. Số liệu trên cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra đối với khu vực Eurozone. Tuy nhiên, ECB tin rằng mức lạm phát này là nhất thời và sẽ giảm trong năm 2023, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022.
Cũng theo Eurostat, trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Theo đó, Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Litva với 10,7%. Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức 5,7%.
Ngược lại, Italy và Pháp lạm phát thấp hơn do giá cả hàng hóa tại hai nước này ở mức vừa phải hơn.
Giá cả leo thang trong những tháng gần đây chủ yếu là do giá khí đốt và giá điện tăng vọt. Vào tháng 12 vừa qua, mức tăng giá năng lượng hàng năm đã lên tới 26%, vượt xa so với các mặt hàng khác trong giỏ hàng hóa mà Eurostat tiến hành khảo sát. Cụ thể, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 3,2%, trong khi hàng công nghiệp tăng 2,9% và dịch vụ tăng 2,4%.