Theo Reuters, nhiều cam kết quan trọng nhằm hành động vì khí hậu đã được đưa ra trong 5 ngày làm việc đầu tiên của COP26, sự kiện diễn ra tại Anh, từ ngày 31/10 đến 12/11.
Theo Reuters, nhiều cam kết quan trọng nhằm hành động vì khí hậu đã được đưa ra trong 5 ngày làm việc đầu tiên của COP26, sự kiện diễn ra tại Anh, từ ngày 31/10 đến 12/11.
Ngăn chặn nạn phá rừng
Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập kỷ này, thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công - tư đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng.
Trong Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, lãnh đạo đại diện cho các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng trên thế giới đã thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng. Trong đó, 12 quốc gia đã cam kết đóng góp 12 tỷ USD quỹ công trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm những nỗ lực khôi phục đất đai bị suy thoái và ứng phó với cháy rừng.
Ngoài ra, giám đốc điều hành của hơn 30 tổ chức tài chính sở hữu hơn 8,7 nghìn tỷ USD tài sản toàn cầu, trong đó có Aviva, Schroders và Axa, đã cam kết từ bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng.
Theo Viện Tài nguyên thế giới, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái rừng và mất rừng trở nên trầm trọng hơn do những đám cháy bùng phát tại một số khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Giảm phát thải khí methane
Ngày 2/11 đánh dấu lần đầu tiên một kỳ COP trong những năm gần đây tổ chức sự kiện lớn về khí methane, với sự tham gia của 105 quốc gia (trong đó có 15 nước phát thải lớn như Brazil, Nigeria và Canada), ký kết Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu. Cam kết lịch sử do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nước chủ nhà Anh dẫn dắt này đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Methane có khả năng làm Trái đất nóng lên cao hơn gấp 80 lần so với CO2, nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển lại ngắn hơn. Điều đó có nghĩa rằng việc nhanh chóng giảm phát thải khí methane trong ngành nhiên liệu hóa thạch và nông nghiệp có thể có tác động lớn trong ngắn hạn.
Mục tiêu đưa phát thải ròng về 0
COP26 theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố ít ngày trước khi COP26 diễn ra, với các cam kết đã được đưa ra để cắt giảm phát thải, Trái đất sẽ tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này. Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm 50% khí thải vào năm 2030 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do sự nóng lên toàn cầu gây ra.
Tại COP26, Ấn Độ cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2070; Anh, Mỹ và EU cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2050.
Nguồn lực tài chính
Trong nhiều năm, tài chính đã trở thành “điểm tắc nghẽn” chính tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc. Các nước giàu đã không thực hiện được mục tiêu đặt ra từ năm 2009 về việc hỗ trợ 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và chuẩn bị ứng phó tác động của biến đổi khí hậu.
Tuần trước, Chủ tịch COP26 Alok Sharma ước tính mục tiêu này có thể được hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, ngày 2/11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho rằng, năm 2022 thế giới có thể đạt được mục tiêu trên.
Cam kết của liên minh tài chính
Ngày 3/11, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD cam kết đưa ứng phó biến đổi khí hậu làm trọng tâm công việc và giành được sự ủng hộ dưới hình thức đặt đầu tư xanh lên nền tảng vững chắc hơn.
Đặc phái viên về khí hậu của Liên hợp quốc Mark Carney, người chủ trì hội nghị bàn tròn của GFANZ, Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 trong khuôn khổ COP26, ước tính số tiền đầu tư trong ba thập kỷ tới là khoảng 100.000 tỷ USD.
Ông Carney cho rằng ngành tài chính cần tìm ra những cách thức để huy động dòng tiền tư nhân cùng chung sức với các chính phủ thúc đẩy nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm mức khí thải ròng về 0. Theo ông, làm thế nào để gắn nguồn tiền hiện có vào các dự án hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và tạo lập một vòng tuần hoàn chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu này mới thật sự là thách thức.
Chấm dứt tài trợ dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài
Ngày 4/11, Mỹ, Canada và 18 quốc gia khác cam kết sẽ chấm dứt tài trợ cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022, chuyển hướng đầu tư vào năng lượng sạch. Trong số các quốc gia ký cam kết này còn có Đan Mạch, Italy, Phần Lan, Costa Rica, Ethiopia, Gambia, New Zealand và Quần đảo Marshall,... cùng với 5 tổ chức phát triển bao gồm Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển Đông Phi.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại COP26, các nước trên nêu rõ việc đầu tư vào các dự án năng lượng liên quan đến hóa thạch ngày càng tiềm ẩn rủi ro kinh tế và xã hội. Các nước này cam kết đến cuối năm 2022 sẽ ngừng cung cấp thêm sự hỗ trợ công trực tiếp cho các dự án năng lượng khai thác từ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài mà không sử dụng công nghệ để thu hồi khí thải CO2. Điều này sẽ bao gồm các dự án than, dầu và khí đốt mà không sử dụng công nghệ để thu hồi CO2.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cho phép miễn trừ một số trường hợp nhất định song phải bảo đảm tuân thủ mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Theo Báo Nhân Dân điện tử