03:10, 18/10/2021

Kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng thuốc điều trị COVID-19 của Merck & Co (Mỹ)

Theo các nhóm y tế quốc tế, việc hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ công bố loại thuốc kháng virus được cho là hiệu quả trong điều trị COVID-19 đang có nguy cơ làm lặp lại tình trạng bất bình đẳng giống như trong việc phân phối vaccine, theo đó các nước thu nhập thấp và trung bình khó có thể tiếp cận được loại thuốc này. 

Theo các nhóm y tế quốc tế, việc hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ công bố loại thuốc kháng virus được cho là hiệu quả trong điều trị COVID-19 đang có nguy cơ làm lặp lại tình trạng bất bình đẳng giống như trong việc phân phối vaccine, theo đó các nước thu nhập thấp và trung bình khó có thể tiếp cận được loại thuốc này. 
 
 
Thuốc viên Molnupiravir do hãng Merck & Co. bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN
Thuốc viên Molnupiravir do hãng Merck & Co. bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN
Merck & Co đã đưa ra một số loại thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) của thuốc kháng virus molnupiravir. Theo đó, Merck & Co cho phép 8 nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ bào chế các loại thuốc generic của molnupiravir nhưng có giá thành rẻ hơn để cung cấp cho 109 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có các nước ở châu Phi. 
 
Các nhóm y tế quốc tế đã đánh giá cao động thái trên của Merck & Co, song cho rằng điều này vẫn chưa đủ để các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận được loại thuốc này với số lượng đủ lớn. Họ cũng cho rằng những thiếu sót và thủ tục rườm rà của các tổ chức toàn cầu cũng có thể làm chậm hơn nữa tốc độ phân phối thuốc. 
 
Theo báo cáo gần đây của chương trình hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19 (ACT-Accelerator) của Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức có nhiệm vụ mua những liệu pháp điều trị COVID-19 cho các nước nghèo, cơ quan này thể hiện quan ngại rằng các cơ quan của LHQ hành động chưa đủ nhanh để đảm bảo đầy đủ những liệu pháp điều trị mới tiềm năng trước thời hạn, trong đó có cả thuốc của Merck & Co. 
 
Trong khi đó, Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP), tổ chức y tế được LHQ hậu thuẫn, cho biết đã có 24 công ty sẵn sàng sản xuất thuốc nếu Merck & Co cho phép. Một chuyên gia thuộc MPP cho rằng nếu Merck & Co không mở rộng các nhà sản xuất loại thuốc này sẽ dẫn đến nguy cơ các nước giàu hơn có thể trả nhiều tiền hơn để mua được thuốc, gây ra tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận liệu pháp điều trị COVID-19 đối với những nước nghèo hơn. Hiện cũng chưa rõ các nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ mà đã được Merck & Co cho phép sẽ bào chế được số lượng thuốc generic như thế nào, trong khi các công ty này lại từ chối nêu chi tiết về kế hoạch sản xuất. 
 
Bên cạnh đó, việc sản xuất thuốc cho các nước thu nhập thấp tại nhiều quốc gia cũng cần phải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, mà quá trình này thường mất nhiều tháng. 
 
Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống và được phát triển để điều trị cúm. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường đặt mua molnupiravir sau khi đại diện của Merck & Co đầu tháng này thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu. Hiện Merck & Co Inc đã xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc chữa bệnh COVID-19 thể vừa và nhẹ tại Mỹ. Merck & Co đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc molnupiravir trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm sau.
 
Đến nay, một số quốc gia giàu có đã đạt được các thỏa thuận cung cấp thuốc molnupiravir với hãng Merck & Co. Mỹ đã đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình thuốc molnupiravir và dự kiến thêm 3,5 triệu liệu trình vào tháng 1/2023 với giá khoảng 700 USD/1 liệu trình. Ngoài ra, các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia cho biết cũng đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua thuốc của Merck & Co.
 
Theo TTXVN