Ngày 4/6, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật về việc nâng dần tuổi nghỉ hưu của các nhân viên chính phủ từ mức 60 tuổi hiện nay lên 65 tuổi vào tài khóa 2031 (từ 1/4/2030 tới 31/3/2031).
Ngày 4/6, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật về việc nâng dần tuổi nghỉ hưu của các nhân viên chính phủ từ mức 60 tuổi hiện nay lên 65 tuổi vào tài khóa 2031 (từ 1/4/2030 tới 31/3/2031).
Theo dự luật này, kể từ tài khóa 2023, cứ hai năm một lần, tuổi nghỉ hưu của các nhân viên chính phủ sẽ tăng thêm 1 năm. Rồi kể từ tài khóa 2031, tuổi nghỉ hưu đối với tất cả các nhân viên chính phủ sẽ là 65. Tuy nhiên, những người từ 60 tuổi trở lên sẽ không còn giữ các chức vụ quản lý, đồng thời lương cũng sẽ bị giảm xuống bằng khoảng 70% mức lương trước đó.
Mục đích của Chính phủ Nhật Bản khi nâng tuổi nghỉ hưu của các nhân viên chính phủ là nhằm tận dụng chất xám và kinh nghiệm của những nhân viên lớn tuổi, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở nước này đang gia tăng do tỷ lệ sinh giảm.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở nước này vào tháng 9/2020 lên tới 36,17 triệu người, chiếm tới 28,7% dân số, cao nhất từ trước tới nay cả về số tuyệt đối và số tương đối. Tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với nhiều nước có dân số già khác như Italy (I-ta-li-a) với 23,3% và Bồ Đào Nha (22,8%).
Trong số hơn 36 triệu người cao tuổi ở Nhật Bản, số lượng nam giới là 15,73 triệu người, trong khi số lượng nữ giới là 20,44 triệu người. Số người cao tuổi vẫn làm việc là 8,92 triệu người, trong đó có 5,31 triệu nam và 3,61 triệu nữ. Người cao tuổi làm việc đông nhất trong các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ (1,26 triệu người), nông nghiệp và lâm nghiệp (1,08 triệu người).
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh Xã hội Quốc gia, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Nhật Bản có thể tăng lên 35,3% vào năm 2040.
Theo TTXVN