08:05, 26/05/2021

Hong Kong (Trung Quốc) đau đầu tìm cách xử lý vaccine sắp hết hạn

Khoảng 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vẫn đang ở trong kho lưu trữ trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ở Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra chậm chạp. Các chuyên gia y tế gợi ý rằng đặc khu này có thể bán những liều vaccine tồn đọng cho những nước đang có nhu cầu.

Khoảng 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vẫn đang ở trong kho lưu trữ trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ở Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra chậm chạp. Các chuyên gia y tế gợi ý rằng đặc khu này có thể bán những liều vaccine tồn đọng cho những nước đang có nhu cầu.
 
Gần 4 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất Sinovac của Trung Quốc và BioNTech của Đức đã được đưa đến Hong Kong hồi tháng 2/2021. Tuy nhiên, 2 triệu liều trong số đó vẫn đang nằm trong kho lưu trữ trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp.
 

 

Lô vaccine của BioNTech được chuyển tới Hong Kong vào tháng 2/2021. Ảnh: SCMP
Lô vaccine của BioNTech được chuyển tới Hong Kong vào tháng 2/2021. Ảnh: SCMP
 
3 tháng kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, mới chỉ có 1,28 triệu người, tương đương 17% dân số Hong Kong đã tiêm 1 liều vaccine. Khoảng 921.500 người đã tiêm đủ 2 liều.
 
Tiêu hủy, tài trợ hay bán?
 
William Chui Chun-ming, Chủ tịch Hiệp hội các dược sỹ bệnh viện tại Hong Kong cho rằng, thành phố này có thể cân nhắc 3 lựa chọn: tiêu hủy vaccine khi chúng hết hạn, hoặc tài trợ, hoặc bán cho các nước khác.
 
 
Dù vậy, quan điểm cá nhân của ông Chui là bán lại vaccine cho những nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 như Ấn Độ, Pakistan, Nepal hay Philippines.
 
“Những nước này đều đang thiếu vaccine chứ không phải thiếu tiền. Chúng ta có thể dùng số tiền bán vaccine để mua các loại vaccine thế hệ thứ 2 trong tương lai”, ông Chui nói.
 
Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leung Chi-chiu cho rằng, Hong Kong có thể đề nghị tạm hoãn thời gian bàn giao theo dự kiến từ nhà sản xuất để tránh phải tiêu hủy hay bán vaccine.
 
Hong Kong đã mua 7,5 triệu liều mỗi loại vaccine ngừa Covid-19 của BioNTech và Sinovac, đủ để tiêm chủng cho toàn bộ 7,5 triệu dân của đặc khu này. Tuy nhiên, chi phí mua số vaccine không được tiết lộ.
 
Giới chức y tế Hong Kong đã sử dụng 1,25 triệu trong số gần 2 triệu liều vaccine của BioNTech và 953.300 mũi trong số hơn 2 triệu mũi vaccine Sinovac để tiêm chủng cho người dân.
 
Vaccine BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C và sử dụng trong vòng 6 tháng. Vaccine của Sinovac thì có thể để được hơn 1 năm.
 
Ông Chui cho rằng, việc vaccine sắp hết hạn đã thúc đẩy chính quyền đặc khu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong những ngày gần đây.
 
Chính quyền Hong Kong ngày 25/5 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng đối với cả những người đến từ đại lục có giấy đi lại 2 chiều và những người xin ở lại Hong Kong từ trước.
 
Theo ông Chui, việc tiêu hủy vaccine sẽ là vấn đề đau đầu, vì chúng không thể đem chôn mà phải thiêu hủy để tránh làm ô nhiễm môi trường do có chứa thành phần axit ribonucleic.
 
Chính quyền đặc khu ngày 25/5 cũng xác nhận, lô vaccine BioNTech hiện có sẽ hết hạn vào giữa tháng 8. Họ đã thảo luận với các công ty dược phẩm về việc nên xử lý như thế nào. Một trong số các giải pháp là trì hoãn một số đơn hàng hoặc không nhận bàn giao. Tuy nhiên chính quyền cũng cân nhắc tài trợ cho các nước có nhu cầu thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Tuần trước, Mỹ đã tuyên bố tài trợ 80 triệu liều vaccine cho các nước, một động thái được xem như đối trọng “ngoại giao vaccine” của Nga và Trung Quốc.
 
Ông Chui nói rằng, Mỹ - nước có kho dự trữ vaccine ngừa Covid-19 ngày càng gia tăng - đã chia sẻ các liều vaccine AstraZeneca dư thừa với Canada, và Hong Kong có thể cân nhắc giải pháp tương tự.
 
Khi được hỏi liệu số vaccine không được sử dụng ở Hong Kong có thể khiến đặc khu này khó mua các loại vaccine thế hệ thứ 2 trong tương lai hay không, ông Chui cho rằng, viễn cảnh này khó xảy ra vì việc thu mua chủ yếu dựa vào việc nước nào đã đặt hàng trước.
 
Ông Leung, cựu Chủ tịch ủy ban cố vấn Hiệp hội y khoa Hong Kong về các bệnh truyền nhiễm cho rằng Hong Kong không cần phải vội vàng ra quyết định, vì còn tới 3 tháng nữa các liều vaccine BioNTech mới hết hạn.
 
Ông cũng chỉ ra rằng, chỉ một phần nhỏ trong số các liều vaccine của Đức được chuyển đến theo đúng thời hạn bàn giao dự kiến, điều này có nghĩa là số lượng tồn đọng không nhiều và các đợt bàn giao trong tương lai có thể được điều chỉnh hoặc trì hoãn theo nhu cầu của Hong Kong.
 
Vấn đề đau đầu không chỉ của Hong Kong
 
Không phải chỉ có Hong Kong đau đầu về việc xử lý những liều vaccine không được sử dụng. Sự ngần ngại tiêm vaccine ở các nước châu Phi và khoảng thời thời gian từ lúc nhận vaccine cho tới ngày hết hạn khá ngắn cũng dẫn tới việc lãng phí hàng chục nghìn liều vaccine.
 
Giới chức y tế Malawi tuần trước đã phải hủy 20.000 liều vaccine sau khi chúng hết hạn vào giữa tháng 4. Đây là một phần trong số 102.000 liều được Liên minh châu Phi tài trợ vào cuối tháng 3. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này chỉ có khoảng 3 tuần để thực hiện tiêm chủng
 
Tương tự, Nam Sudan cũng cho biết nước này sẽ thiêu hủy khoảng 59.000 liều vaccine AstraZeneca do Liên minh châu Phi cung cấp cuối tháng 3 sau khi chúng hết hạn vào giữa tháng 4.
 
Tại Đài Loan (Trung Quốc), giới chức y tế của vùng lãnh thổ này tháng trước cũng bày tỏ lo ngại về việc phần lớn trong số 310.000 liều vaccine AstraZeneca đã nhận cho 24 triệu dân sẽ bị lãng phí do chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Các lô vaccine này sẽ hết hạn vào tháng 6./.
 
Theo VOV