Các bệnh viện ở Dải Gaza đang phải vật lộn với bệnh nhân mắc Covid-19 và những người bị thương trong các cuộc không kích do quân đội Israel và lực lượng Hamas thực hiện.
Các bệnh viện ở Dải Gaza đang phải vật lộn với bệnh nhân mắc Covid-19 và những người bị thương trong các cuộc không kích do quân đội Israel và lực lượng Hamas thực hiện.
Khủng hoảng kép tại Dải Gaza đè nặng lên hệ thống y tế
Chỉ vài tuần trước, hệ thống y tế mong manh của Dải Gaza đã phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Các nhà chức trách đã phải dọn dẹp phòng mổ của bệnh viện để có chỗ cho bệnh nhân Covid-19 và tạm dừng hoạt động chăm sóc y tế không cần thiết.
Tuy nhiên, những khó khăn đối với hệ thống y tế tại Dải Gaza chưa dừng lại ở đó.
Vòng xoáy bạo lực trong tuần này giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza đã khiến 103 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, và 530 người khác bị thương ở vùng lãnh thổ nghèo khó này. Các cuộc không kích của Israel đã khiến Dải Gaza trở nên hoang tàn, chìm trong khói lửa và đổ nát.
Các bác sĩ trên khắp Dải Gaza hiện đang sắp xếp lại các giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt và cố gắng ứng phó với tình trạng y tế khác, đó là điều trị vết thương do đạn, băng bó vết thương cho các nạn nhân của cuộc không kích.
Những người thân của nạn nhân đã không đợi xe cấp cứu mà đưa người bị thương đi bằng ô tô hoặc đi bộ đến bệnh viện Shifa, bệnh viện lớn nhất của Dải Gaza. Các bác sĩ quay cuồng chữa trị từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, nhanh chóng băng bó vết thương để cầm máu.
Tại bệnh viện Indonesia ở một thị trấn phía Bắc Jabaliya, các phòng bệnh chật kín sau khi những quả bom rơi gần đó. Máu ở khắp nơi và các nạn nhân nằm tràn ra cả hành lang.
“Trước các cuộc tấn công quân sự, hệ thống y tế của chúng tôi đã thiếu hụt trầm trọng và hầu như không thể xoay sở được với làn sóng Covid-19 thứ hai. Hiện tại thương vong ập tới từ mọi phía. Tôi lo sợ hệ thống y tế sẽ sụp đổ hoàn toàn”, Abdelatif al-Hajj, quan chức Bộ Y tế Gaza cho biết.
Chìm trong nhiều năm xung đột, hệ thống y tế tại vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân luôn trong tình trạng dễ bị tổn thương. Sự phong tỏa gần 14 năm do Israel và Ai Cập áp đặt đã bóp nghẹt cơ sở hạ tầng của Dải Gaza. Các bệnh viện tại đây thiếu thiết bị và vật tư y tế như túi máu, đèn phẫu thuật, thuốc gây mê, kháng sinh, thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở và bình oxy.
Vào tháng 4, số ca mắc Covid-19 và ca tử vong do dịch bệnh tại Dải Gaza cao kỷ lục do một biến thể xuất hiện lần đầu tiên ở Anh lây lan. Tới nay, Dải Gaza ghi nhận hơn 105.700 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 976 cả tử vong.
Số ca mắc Covid-19 tại Dải Gaza tăng cao vào năm 2020 gây lo ngại về một thảm họa y tế. Các nhà chức trách đã bố trí các phòng khám dành riêng cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi cuộc không kích trả đũa của Israel xảy ra.
Yousef al-Akkad, Giám đốc bệnh viện châu Âu ở thị trấn Khan Younis cho biết, các y tá phải chuyển hàng chục bệnh nhân Covid-19 đến một tòa nhà khác vào lúc nửa đêm để lấy chỗ cho các nạn nhân bị thương trong cuộc không kích. Các bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia y tế đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng vội vã quay trở lại để điều trị cho những người bị thương.
Ông al-Akkad cho biết, nếu xung đột gia tăng, bệnh viện sẽ không đủ khả năng chăm sóc cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
“Chúng tôi chỉ có 15 giường chăm sóc đặc biệt. Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này là cầu nguyện cho những cuộc không kích này sớm dừng lại”, ông al-Akkad nói và cho biết thêm rằng, do bệnh viện thiếu thiết bị và chuyên môn phẫu thuật, ông đã phải chuyển một đứa trẻ đến Ai Cập để phẫu thuật phần vai bị thương.
Các bệnh viện rơi vào cảnh bế tắc
Tại bệnh viện Shifa, các nhà chức trách cũng chuyển những người bị thương vào 30 giường bệnh dành cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Mohammed Abu Selmia, Giám đốc bệnh viện Shifa đã bày tỏ lo ngại về khủng hoảng mới nhất đối với hệ thống y tế của Dải Gaza.
“Dải Gaza bị phong toả trong 14 năm và hệ thống y tế đã cạn kiệt. Sau đó tới đại dịch Covid-19. Hầu hết thiết bị y tế đã xuống cấp và không thể gửi đi sửa chữa”, ông Mohammed Abu Selmia nói.
Hiện tại, bệnh viện Shifa, vốn đã quá tải bởi các ca nhiễm virus, đang phải điều trị cho các nạn nhân của vụ không kích. Hơn 1/2 trong số các nạn nhân là những trường hợp nguy kịch cần phải phẫu thuật.
“Các bác sĩ đang làm việc không ngừng nghỉ”, ông Mohammed Abu Selmia nói thêm.
Các cuộc không kích của Israel đã tấn công 2 cơ sở y tế ở phía Bắc thành phố Gaza hôm 11/5. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các cuộc tấn công đã tàn phá Trung tâm Y tế Hala al-Shawa và bệnh viện Indonesia, buộc các nhân viên phải sơ tán.
Sacha Bootsma, Giám đốc của WHO tại Dải Gaza cho biết, các cuộc không kích đã khiến hàng chục trung tâm y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đóng cửa. Trong tuần này, giới chức chỉ thực hiện được khoảng 300 xét nghiệm SARS-CoV-2/ngày, so với 3.000 xét nghiệm/ngày trước khi xảy ra cuộc không kích.
Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) đã yêu cầu nhân viên ở nhà để giữ an toàn. Các trung tâm y tế xét nghiệm hiện đã đóng cửa cũng quản lý vaccine Covid-19. Dải Gaza đã phải chờ đợi nhiều tháng để nhận được một lô vaccine hạn chế từ chương trình COVAX. Những liều vaccine đó sẽ hết hạn trong vài tuần tới và sẽ phải vứt bỏ, điều này “tác động rất lớn đến khả năng huy động vaccine bổ sung của Dải Gaza trong tương lai”, Sacha Bootsma nói.
Đối với những người bị thương trong cuộc không kích, ứng phó với đại dịch vẫn là điều chưa được suy nghĩ tới.
Điều cuối cùng mà Mohammad Nassar nhớ trước khi bị thương trong một cuộc không kích là anh đang đi bộ về nhà với một người bạn trên phố. “Khi tỉnh dậy, chúng tôi thấy mình đang nằm trên mặt đất”, Nassar nói.
Hiện người đàn ông 31 tuổi này đang nằm trong khu phẫu thuật của bệnh viện Shifa, với một cánh tay phải bị gãy và một vết thương ở bụng./.
Theo VOV