Truyền thông châu Âu đang đồng loạt đăng tin về vụ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để do thám các chính trị gia hàng đầu châu Âu.
Truyền thông châu Âu đang đồng loạt đăng tin về vụ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để do thám các chính trị gia hàng đầu châu Âu.
Thông tin này diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Joe Biden vào tháng 6/2021, hi vọng cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Âu vốn rơi xuống mức thấp dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Mặc dù vụ bê bối nghe lén được tiết lộ từ năm 2013, nhưng các nhà báo gần đây mới có quyền truy cập vào các báo cáo. Theo truyền thông châu Âu, NSA đã lợi dụng sự hợp tác với Cơ quan tình báo Đan Mạch để thực hiện việc do thám, bao gồm việc truy cập vào các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập Internet, trong đó có nội dung tìm kiếm, nội dung chat và các dịch vụ nhắn tin của quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp. Nếu được xác nhận, hoạt động do thám của Mỹ diễn ra trong và sau năm 2013, khi cựu nhân viên Cục tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ rằng chính phủ Mỹ do thám chính công dân và đồng minh của mình.
Hiện NSA và Bộ Quốc phòng Đan Mạch chưa có bình luận nhưng nhiều quan chức châu Âu đã lên tiếng. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết đang “xem xét các cáo buộc một cách nghiêm túc”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nhấn mạnh ông “yêu cầu thông tin đầy đủ về vụ việc”. Cựu lãnh đạo phe đối lập của Đức Peer Steinbrück, người cũng nằm trong danh sách theo dõi coi tình huống này là một “vụ bê bối”. Sau thông tin của truyền thông, “người thổi còi” Edward Snowden cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden “dính dáng sâu đến vụ do thám”, khi thời điểm đó ông giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ.
Bê bối Mỹ do thám đồng minh châu Âu nổi lên ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hội nghị Thượng đỉnh EU-Mỹ diễn ra tại Brussels vào ngày 15/6 và là chuyến thăm đầu tiên của ông Joe Biden đến châu Âu kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng với cam kết về mối quan hệ đồng minh.
"Nước Mỹ đã trở lại. Với tư cách là Tổng thống Mỹ, ngay khi bắt đầu chính quyền của mình và ngay lúc này tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới. Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Chúng ta sẽ không nhìn lại phía sau, mà sẽ cùng nhau hướng tới tương lai", ông Biden nói.
Dự kiến tại hội nghị thượng đỉnh lần này, hai bên cam kết cố gắng chấm dứt các xung đột thương mại đã làm ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời cam kết làm việc cùng nhau để vượt qua đại dịch Covid-19./.
Theo VOV