10:04, 25/04/2021

Khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ: Số ca bệnh gia tăng kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp

Nhà chức trách Ấn Độ phải cố gắng để đưa bình dưỡng khí đến các bệnh viện điều trị Covid-19, trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao nhất thế giới liên tiếp trong 3 ngày.

Nhà chức trách Ấn Độ phải cố gắng để đưa bình dưỡng khí đến các bệnh viện điều trị Covid-19, trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao nhất thế giới liên tiếp trong 3 ngày.
 
Ngày thứ ba liên tiếp, Ấn Độ lập kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm virus corona mới với 346.786 ca, nâng tổng số người mắc Covid-19 của nước này lên hơn 16 triệu người, chỉ sau Mỹ.
 
Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo thêm 2.624 ca chết người trong 24 giờ qua, đẩy số người chết do Covid-19 của Ấn Độ lên 189.544 người.
 

 

Bệnh nhân COVID-19 thở bằng mặt nạ oxy trong khi chờ nhập viện ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Bệnh nhân COVID-19 thở bằng mặt nạ oxy trong khi chờ nhập viện ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)
 
Theo Times of India, số ca bệnh tại Ấn Độ gia tăng hơn 300.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp, hơn 2.000 người chết trong ngày thứ  5 liên tiếp.
 
Chính phủ Ấn Độ tăng cường nỗ lực cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện bằng cách sử dụng tàu Oxygen Express đặc biệt, máy bay không quân và xe tải để vận chuyển, đồng thời thực hiện các biện pháp miễn thuế hải quan cho việc cung cấp oxy.
 
Nhưng cuộc khủng hoảng ở đất nước gần 1,4 tỷ dân ngày càng sâu sắc khi các bệnh viện quá tải, dừng tiếp nhận bệnh nhân và hết giường bệnh cũng như nguồn cung cấp oxy.
 
Một Tòa án cấp cao ở Delhi thậm chí cảnh báo sẽ "treo cổ" bất kỳ ai cố gắng cản trở việc cung cấp oxy khẩn cấp. Tòa án này đang xét xử đệ trình của một nhóm bệnh viện về tình trạng thiếu oxy, gọi sự gia tăng nghiêm trọng số ca bệnh là một “cơn sóng thần”.
 
Ít nhất 20 bệnh nhân Covid-19 tại đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Jaipur Golden, New Delhi đã chết qua đêm vì “áp suất oxy thấp”, tờ Indian Express đưa tin.
 
Hôm 22/4, 25 bệnh nhân Covid-19 chết tại Bệnh viện Sir Ganga Ram và có nhiều ý kiến cho rằng nguồn cung cấp oxy thấp là nguyên nhân.
 
Làn sóng lây nhiễm mới tại Ấn Độ, nguyên nhân do một biến thể rất dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở đây, bùng phát sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố chiến thắng virus corona vào tháng 1.
 
Nhưng các chuyên gia y tế và các nhà phê bình nói rằng phần nào việc số ca bệnh giảm cuối năm ngoái đã khiến các nhà chức trách "bỏ quên" những lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc y tế. Họ cũng chỉ trích việc nhà chức trách cho phép tổ chức các sự kiện lớn, bao gồm các lễ hội tôn giáo và các cuộc vận động bầu cử.
 
Tuần trước, Tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ đưa ra một kế hoạch quốc gia về việc cung cấp oxy và các loại thuốc thiết yếu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
 
Ngoài ra, quỹ hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ ông Modi, có tên là PM CARES, đã phân bổ khoảng 27 triệu USD để thiết lập 162 máy tạo oxy bên trong các cơ sở y tế công cộng ở nước này. Nhưng mới chỉ 33 chiếc được lắp  đặt.
 
Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự kiến đưa 23 máy tạo oxy di động từ Đức vào trong vòng một tuần để triển khai tại các bệnh viện do quân đội điều hành. Mỗi máy có thể sản xuất 2.400 lít oxy mỗi giờ.
 
Tuy nhiên, với một số bệnh viện, thời gian cung cấp oxy này có thể là quá muộn.
 
Hôm 23/4, hãng thông tấn Press Trust of India đưa tin một xe chở oxy ở bang Haryana biến mất. Vài ngày trước đó, hãng này đưa tin một bộ trưởng ở Haryana đổ lỗi cho chính quyền Delhi lấy một chiếc xe chở oxy khi xe băng qua thành phố.
 
Saket Tiku, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất khí công nghiệp toàn Ấn Độ cho biết: “Thật không may, nhiều sự cố như vậy đã xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh viện cần cung cấp oxy".
 
Bên cạnh đó, dù Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn, nhưng ngay cả sau khi ngừng xuất khẩu vào tháng 3 để chuyển sang sử dụng trong nước, vẫn có những câu hỏi đặt ra rằng liệu các nhà sản xuất có thể sản xuất vaccine đủ nhanh để làm giảm số ca nhiễm virus kịp thời hay không.
 
Trong tuần này, Ấn Độ cho biết họ sẽ sớm mở rộng chương trình tiêm chủng từ những người 45 tuổi sang tất cả người lớn, khoảng 900 triệu người - nhiều hơn đáng kể so với toàn bộ dân số của Liên minh châu Âu và Mỹ cộng lại./.
 
Theo VOV