Trung Quốc ngày 30/3 đã chính thức thông qua việc sửa đổi các phụ lục của "Luật Cơ bản" Hong Kong, nhằm cải cách toàn diện chế độ bầu cử tại vùng lãnh thổ này, đảm bảo bầu ra những "người yêu nước" lãnh đạo đặc khu.
Trung Quốc ngày 30/3 đã chính thức thông qua việc sửa đổi các phụ lục của “Luật Cơ bản” Hong Kong, nhằm cải cách toàn diện chế độ bầu cử tại vùng lãnh thổ này, đảm bảo bầu ra những "người yêu nước" lãnh đạo đặc khu.
Sau 2 ngày nhóm họp, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc ngày 30/3 đã thông qua việc sửa đổi Phụ lục I và II của “Luật Cơ bản” Hong Kong, tức kế hoạch cải cách chế độ bầu cử ở đặc khu này, với 167 phiếu thuận, không có phiếu phản đối.
Các nội dung sửa đổi để bầu ra Trưởng đặc khu và Hội đồng Lập pháp Hong Kong được Trung Quốc đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc khắc phục các lỗ hổng trong quản lý vùng lãnh thổ này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh ban hành để các biện pháp cải cách bầu cử ở Hong Kong chính thức có hiệu lực từ ngày 31/3.
Theo đó, Ủy ban Bầu cử đặc khu sẽ tăng từ 1.200 lên 1.500 người, trong đó 300 người tăng thêm thuộc khu vực thứ 5, là các đại biểu Quốc hội, ủy viên Chính hiệp (tức Mặt trận) và thành viên các đoàn thể nhà nước của Trung Quốc tại Hong Kong. Bất cứ ai muốn tranh cử Hội đồng Lập pháp đều phải được Ủy ban Bầu cử này đề cử.
Bên cạnh đó, Ủy ban Bầu cử cũng chịu trách nhiệm lựa chọn Trưởng đặc khu Hong Kong và được trao thêm quyền đề cử 40 đại diện vào Hội đồng Lập pháp, vốn được mở rộng từ 70 ghế lên 90 ghế.
Một ủy ban mới cũng được giao nhiệm vụ đảm bảo các ứng viên tranh cử Trưởng đặc khu, Hội đồng Lập pháp và Ủy ban Bầu cử không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia.
Kế hoạch cải cách bầu cử ở Hong Kong được phê chuẩn sau hơn hai tuần Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung sửa đổi Phụ lục I và II của “Luật Cơ bản” Hong Kong, vốn được coi như "tiểu hiến pháp" của đặc khu, nhằm sàng lọc các ứng viên yêu nước và yêu Hong Kong tham gia tranh cử và trúng cử vào bộ máy lãnh đạo vùng lãnh thổ này.
Quyết định của Quốc hội Trung Quốc khi đó đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, trong khi Bắc Kinh coi đây là công việc nội bộ và không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp.
Chuyên gia và truyền thông Trung Quốc cho biết, nước này đã chuẩn bị một cuộc chiến lâu dài với mọi sự can thiệp từ bên ngoài liên quan đến vấn đề Hong Kong./.
Theo VOV