Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay (22/3) bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hai ngày (22-23/03) nhằm khẳng định "mối quan hệ đang ở mức cao nhất trong lịch sử".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay (22/3) bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hai ngày (22-23/03) nhằm khẳng định “mối quan hệ đang ở mức cao nhất trong lịch sử”.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh một chính sách quyết liệt hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như cũng đồng nghĩa với một mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc. Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết quan hệ Trung - Nga đang ở mức tốt nhất trong lịch sử.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu vẫn đang theo đuổi các chính sách bá quyền trong các vấn đề quốc tế, và nhiệm vụ hàng đầu của Trung Quốc và Nga là tiếp tục tăng cường phối hợp cấp cao trên trường quốc tế nhằm thúc đẩy sự ổn định quốc tế và khu vực, cùng thúc đẩy xu thế tiến tới một thế giới đa cực.
“Chúng tôi đang thúc đẩy một chương trình nghị sự thống nhất, mang tính xây dựng cùng với Trung Quốc, hy vọng đảm bảo rằng cấu trúc quốc tế dựa trên sự hợp tác sâu rộng và hợp tác tích hợp giữa các quốc gia để đạt được công bằng, dân chủ và ổn định. Ví dụ, chúng tôi và những người bạn Trung Quốc đang phát triển các quá trình hội nhập trong khu vực Á-Âu. Đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác chiến lược thực sự và là người bạn cùng chí hướng. Sự hợp tác của chúng tôi trên trường quốc tế sẽ có tác động ổn định tình hình toàn cầu và khu vực”, ông Lavrov nói.
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov diễn ra chỉ vài ngày sau cảnh báo mới đây của Tổng thống Joe Biden buộc Tổng thống Vladimir Putin phải trả giá vì sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và những chỉ trích cá nhân nhằm vào “ông chủ” Điện Kremlin, khiến Nga tức giận và quyết định triệu hồi Đại sứ tại Washington về nước để tham vấn. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định là nhằm đánh giá những việc cần làm và hướng đi trong tương lai liên quan tới quan hệ với Mỹ.
Truyền thông châu Âu thậm chí còn so sánh quan hệ Nga- Mỹ với thời kỳ tồi tệ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, không chỉ do những cáo buộc can thiệp bầu cử, mà cả trong các cuộc xung đột tại Syria, Ukraine hay mới đây nhất là vụ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc tại Đức. Dù Tổng thống Joe Biden không nêu chi tiết các biện pháp đáp trả có thể, song theo CNN chính phủ Mỹ dự kiến ngay trong tuần này sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt liên quan tới cáo buộc Nga can dự bầu cử Tổng thống. Và các biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ nhằm vào Nga, mà cả Trung Quốc và Iran.
Nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà bình luận phương Tây cho rằng, áp lực cứng rắn với cả Nga và Trung Quốc chính là phép thử đối với mức độ bền chặt hay thậm chí là củng cố mối quan hệ đối tác Trung-Nga. Thực tế điều này đã được chứng minh. Sự hợp tác Trung- Nga đã được tăng tốc kể từ khi Mỹ coi cả Trung Quốc và Nga là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018 trong đó cảnh báo Mỹ có thể phải “chiến đấu trên hai mặt trận”. Tổng thống Joe Biden cũng từng mô tả Nga và Trung Quốc "là những đối thủ nặng ký."
Theo nhiều nhà phân tích, tân Tổng thống Mỹ sẽ đổi mới đối thoại xuyên Đại Tây Dương về Nga và Trung Quốc để giải quyết thách thức mà hai nước đặt ra đối với một phương Tây đang rạn nứt. Trong khi NATO đã phát đi tín hiệu sẵn sàng quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc, cũng như các mối quan hệ Trung-Nga, thì Tổng thống Joe Biden cũng lên kế hoạch vươn ra Liên minh châu Âu để chế ngự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã trở nên phức tạp bởi quyết định đáng ngạc nhiên của Liên minh châu Âu về việc thực hiện một thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc chỉ vài tuần trước khi ông Joe Biden nhậm chức./.
Theo VOV