02:03, 31/03/2021

Dư luận Mỹ sôi sục vì tình trạng kỳ thị người gốc Á

Sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi giữa tháng 3 vừa qua, dư luận Mỹ hôm qua (30/3) tiếp tục sục sôi khi một vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á lại xảy ra ở ngay trung tâm quận Mahattan.
 

Sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi giữa tháng 3 vừa qua, dư luận Mỹ hôm qua (30/3) tiếp tục sục sôi khi một vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á lại xảy ra ở ngay trung tâm quận Mahattan.
 
Tình trạng kỳ thị, bạo lực và phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á ở Mỹ vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có nguy cơ lan rộng hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định những vụ tấn công này là sai trái và cần chấm dứt. 
 

 

Biểu tình phản đối phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: BBC.
Biểu tình phản đối phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: BBC.
 
 
Sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi giữa tháng 3 vừa qua, dư luận Mỹ hôm qua (30/3) tiếp tục sục sôi khi một vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á lại xảy ra ở ngay trung tâm quận Mahattan – ”cửa ngõ” thương mại lớn nhất thế giới – tại thành phố New York.
 
Video an ninh do cảnh sát Mỹ cung cấp cho thấy, một người phụ nữ 65 tuổi gốc Á đã bị một người đàn ông không rõ danh tính buông lời lẽ kỳ thị, đá vào mặt, bụng; giẫm lên đầu và thân thể nhiều lần sau khi hai bên chạm mặt trên vỉa hè. Điều tệ hơn nữa là một số nhân chứng chứng kiến vụ việc song không can thiệp, để mặc nạn nhân nằm bất động. Đầu tuần này, mạng xã hội ở Mỹ cũng đã lan truyền một video khác cho thấy một thanh niên châu Á trên tàu điện ngầm ở New York bị một người tấn công, kẹp cổ đến bất tỉnh. Nhiều hành khách trên tàu chỉ đứng nhìn mà không can thiệp.
 
Những vụ tấn công mới nhất tiếp tục gióng lên hồi chuông đáng báo động về các tội ác nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, số lượng tội ác hận thù chống người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất Mỹ đã tăng tới 150%. Chỉ tính riêng ở New York, từ đầu năm đến nay đã có 26 vụ kỳ thị, bạo lực nhằm vào người gốc Á.
 
Trên khắp nước Mỹ, nhiều cuộc tuần hành, hội thảo, sự kiện trực tuyến... phản đối hành động bạo lực nhằm vào người gốc Á đã và đang tiếp tục diễn ra. Nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phải có hành động phản ứng ngay lập tức và mạnh mẽ hơn.        
 
Lên án các vụ tấn công, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói: “Tôi không quan tâm bạn là ai và đang làm gì. Nhưng khi thấy ai đó bị tấn công, hãy làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ họ. Chúng ta cần là một phần của giải pháp chống kỳ thị. Chúng ta không thể ngoảnh mặt và nhìn hành động tàn ác diễn ra”.
 
Dù chính trường Mỹ còn chia rẽ trong một số vấn đề nhưng một nhóm gồm 26 thống đốc bang, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã cùng ký một tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm người gốc Á, cam kết hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á. 
 
Hôm qua (30/3), trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á là sai trái, cần chấm dứt và nước Mỹ không thể im lặng trước tình trạng này. Chính vì vậy, chính quyền của ông quyết định đưa ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn vấn đề nhức nhối tái diễn.
 
Đặc biệt trong số các biện pháp bổ sung có việc huy động 49,5 triệu USD từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc quân đảo Thái Bình Dương - những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục và bạo lực trong nước. Các cơ quan chức năng Mỹ cũng sẽ minh bạch dữ liệu về các vụ bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á; xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách đưa thông tin lên các website bằng 5 ngôn ngữ phổ biến, trong đó có tiếng Việt.
 
Người dân gốc Á đã sinh sống ở Mỹ hơn 160 năm qua và từ lâu trở thành mục tiêu của sự kỳ thị. Máu và nước mắt của người gốc Á cũng đã từng đổ trên nước Mỹ vì sự phân biệt đối xử. Có lẽ tới nay, khi “giọt nước đang tràn ly”, người dân và chính quyền Mỹ không muốn lịch sử lặp lại ./.
 
Theo VOV