04:10, 07/10/2020

Trung Quốc lần đầu chứng minh SARS-CoV-2 có thể lây qua hơi thở

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vừa tiến hành một thử nghiệm khoa học và lần đầu tiên chứng minh được rằng hơi thở của con người cũng có thể lây truyền SARS-CoV-2.

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vừa tiến hành một thử nghiệm khoa học và lần đầu tiên chứng minh được rằng hơi thở của con người cũng có thể lây truyền SARS-CoV-2.
 
Theo đó, nhóm nghiên cứu của Học viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Bắc Kinh đã cùng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Triều Dương thành phố Bắc Kinh chiêu mộ gần 60 người bệnh Covid-19 (bao gồm cả các ca nhập cảnh và cộng đồng), 15 người khỏe mạnh và một số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đường hô hấp.
 
Nhóm đã sử dụng phương pháp thu thập hơi thở ra do Đại học Bắc Kinh phát minh, để lấy các mẫu dung dịch ngưng tụ hơi thở ra của người tham gia nghiên cứu.
 

 

 
 
Sau đó, nhóm đã dùng kỹ thuật RT-PCR phân tích và phát hiện, những người mắc Covid-19 giai đoạn đầu đã thải ra một lượng lớn virus SARS-CoV-2, lên tới vài triệu mỗi giờ. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ dương tính của virus được thải ra khỏi cơ thể người bệnh lên tới khoảng 27%, tỷ lệ dương tính của các bề mặt trong môi trường có người bệnh là 5,4%.
 
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã xét nghiệm thấy virus SARS-CoV-2 trong môi trường điều trị và cách ly có người bệnh Covid-19, trong đó có cả nhà vệ sinh, nồng độ lên tới 6000 con virus/m2.
 
Nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh, việc hít thở của con người cũng là phương thức lây truyền SARS-CoV-2 hết sức quan trọng, trong khi hầu hết các hạt trong hơi thở ra đều nhỏ hơn bụi mịn PM2.5, điều đó cũng cho thấy một thực tế về việc loại virus này có thể lây qua không khí.
 
Như vậy, nghiên cứu này đã đưa ra bằng chứng khoa học giúp ngăn chặn tốt hơn sự lây truyền của SARS-CoV-2 trong không khí và phòng ngừa bệnh Covid-19 trong tương lai.
 
Với phương pháp tương tự, nhóm nghiên cứu cũng thu được và xét nghiệm thấy virus cúm trong hơi thở ra của người bị cúm.
 
Kết quả nghiên cứu này đã được đăng trực tuyến trên Tạp chí lâm sàng bệnh truyền nhiễm uy tín của Hội Bệnh nhiễm trùng Mỹ (IDSA)./.
 
Theo VOV