04:10, 28/10/2020

Thế giới trải qua ngày chết chóc, Châu Âu oằn mình chống dịch Covid-19

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu đang phải "gồng mình" chống lại làn sóng bùng phát mới và thời điểm "mùa đông được đánh giá là rất khó khăn" đang tới gần.

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu đang phải “gồng mình” chống lại làn sóng bùng phát mới và thời điểm “mùa đông được đánh giá là rất khó khăn” đang tới gần.
 
Ngày 28/10, thế giới đã vượt mốc 44 triệu người mắc Covid-19. Sau nhiều tháng, số ca tử vong do dịch bệnh này trong ngày trên thế giới một lần nữa vượt mốc 7.000 ca.
 
 

 

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
 
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/10 đưa ra nhận định, đại dịch Covid-19 “thật tệ hại” và gọi đó là 1 thảm kịch quốc gia kinh hoàng: “Chúng ta đang ở trong một đại dịch toàn cầu chưa từng có, điều đó thực sự tệ hại. Thật khó khăn để vượt qua làn sóng thứ hai này. Sẽ thật khó chịu khi phải đóng cửa cuộc sống của chúng ta. Bây giờ buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, điều này đồng nghĩa một mùa đông khó khăn đang chờ chúng ta ở phía trước.”
 
Tại Mỹ, dù các chiến dịch vận động tranh cử đang diễn ra rầm rộ khi chỉ còn ít ngày nữa là tới cuộc bầu cử chính thức, song các biện pháp phòng dịch vẫn đang được chú ý, đặc biệt là mùa lễ hội đang tới gần. Thành phố New York đã quyết định áp dụng các biện pháp cách ly đối với khách du lịch tới từ các bang khác, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp thích đáng với những ai không tuân thủ quy định này.
 
Tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên từng ngày ở châu Âu. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức và nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Dự kiến, tại cuộc họp với lãnh đạo các bang của Đức trong ngày 28/10, Thủ tướng Merkel sẽ thúc đẩy việc áp đặt thêm các biện pháp phòng bệnh quyết liệt hơn, có thể là đóng cửa các nhà hàng và quán bar cũng như cấm tổ chức các sự kiện công cộng.
 
Tại Bỉ, số ca nhập viện do Covid-19 ở mức cao nhất trong 7 tháng qua. Điều này được dự báo là 1 thách thức rất lớn đối với các bệnh viện tại Bỉ trong những tuần tới.
 
Cũng giống như Bỉ, số ca nhập viện điều trị Covid-19 tại Pháp cũng đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua.
 
Một bác sĩ tại bệnh viện Robert Ballanger cho biết: “Ngày càng có nhiều bệnh nhân Covid-19 và rất tiếc là chúng tôi không có nhiều điều kiện chăm sóc cho họ hơn so với trước đợt bùng phát đầu tiên. Đó là vấn đề về giường bệnh và nhân sự. Thực tế, chúng tôi vẫn chưa thể kết thúc điều trị cho các nạn nhân trong đợt đầu, chúng tôi chưa bao giờ là không có bệnh nhân Covid-19”.
 
Tại Tây Ban Nha, các nhân viên y tế đã bắt đầu cuộc tuần hành trên quy mô cả nước nhằm đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc, với những khẩu hiệu như hãy cứu lấy ngành y tế. Ước tính sẽ có tới 85% nhân viên y tế Tây Ban Nha sẽ tham gia các cuộc tuần này, vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày thứ Ba cuối tháng.
 
Khi đại dịch bùng phát một lần nữa, nhiều cuộc họp, chuyến thăm ngoại giao phải hủy bỏ do các quan chức bị mắc hoặc có nguy cơ mắc Covid-19. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas ngày 27/10 thông báo trên Twitter rằng ông đã tự cách ly sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thông báo đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người bị mắc Covid-19. Hãng thông tấn RIA cho biết, các chuyến thăm và cuộc họp đã lên kế hoạch trước đó của Ngoại trưởng Nga sẽ bị hoãn lại.
 
Cũng trong ngày 27/10, toàn bộ các họp trực tiếp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã bị hủy sau khi một quốc gia thành viên thông báo có 5 nhân viên mắc Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ mùa hè vừa qua, Liên Hợp Quốc phải hủy họp trực tiếp vì đại dịch./.
 
Theo VOV