08:09, 21/09/2020

Kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới tăng cường hợp tác

Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới cùng nhau làm việc để đối phó với những thách thức đa phương.

Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới cùng nhau làm việc để đối phó với những thách thức đa phương.
 
Lãnh đạo 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay (21/9) gặp nhau trong một phiên họp đặc biệt: Phiên kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Đây cũng là hoạt động mở màn cho tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75. Tuy nhiên, không giống như mọi năm, sự kiện ngoại giao lớn nhất hành tinh năm nay sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến do tác động của dịch Covid-19, vốn đang thử thách tính hiệu quả, cũng như tình đoàn kết của Liên Hợp Quốc.
 
 

 

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AFP).
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AFP).
 
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 năm nay không nằm ngoài tác động của đại dịch Covid-19 khi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gửi video bài phát biểu thay vì trực tiếp đến trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York. Bùng phát từ cuối năm ngoái tại Trung Quốc, dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới, buộc hàng triệu người phải cách ly tự nguyện hoặc bắt buộc tại nhà và gây ảnh hưởng chưa từng có tới nền kinh tế toàn cầu.
 
Phát biểu với hãng tin Reuters trước thềm Phiên kỷ niệm cấp cao 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 đã “phơi bày sự mong manh” của thế giới, tạo ra những bất bình đẳng mang tính hệ thống và cố hữu, tô đậm những thách thức về địa chính trị cùng các mối đe dọa an ninh. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này sẽ một lần nữa kêu gọi thế giới cùng nhau làm việc trong một bối cảnh của những thách thức đa phương và thiếu các giải pháp.
 
Ông Antonio Guterres  nói: “Trong dịp kỷ niệm lần thứ 75 này, chúng tả phải đối mặt với những thách thức tương tự như thời điểm năm 1945. Hơn bao giờ hết chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết để vượt qua tình huống khẩn cấp hiện nay, đưa thế giới vận động, làm việc và thịnh vượng trở lại, đồng thời giữ vững tầm nhìn của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
 
Trên thực tế, 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an đã phải mất tới nhiều tháng để hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu của Tổng thư ký Antonio Guterres nhằm tập trung mọi nỗ lực cho cuộc chiến chống Covid-19. Nghị quyết đầu tiên về “phản ứng toàn diện” trước đại dịch được thông qua hồi đầu tháng này cũng không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên khi Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi Ukraine và Hungary bỏ phiếu trắng.
 
Lời kêu gọi thành lập một quỹ trị giá hơn 10 tỷ USD để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất tới mới chỉ nhận đươc 1/4 số tiền cần thiết.
 
Bên cạnh đó, những vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, quan tâm đến những người dễ bị tổn thương, tăng cường hoạt động nhân đạo ở những vùng xung đột và vaccine phòng Covid-19 cũng là những vấn đề đang gây chia rẽ cộng đồng thế giới.
 
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 Volcan Bozkir nhấn mạnh: “Toàn nhân loại phải cùng nhau đấu tranh. Đây là thời điểm của sự đoàn kết. Các quốc gia thành viên chưa bao giờ có lý do thuyết phục hơn như hiện nay để đưa thế giới đến gần nhau hơn. Tôi tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn”.
 
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận và hàng trăm cuộc trao đổi trực tuyến do Liên Hợp Quốc tiến hành từ đầu năm đến nay cho thấy sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của công chúng toàn cầu đối với hợp tác quốc tế. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Cụ thể, theo những dữ liệu thu thập được trong giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 24/03/2020, có tới 95% số người được hỏi nhất trí về sự cần thiết các nước phải làm việc cùng nhau để quản lý các thách thức toàn cầu và có sự tăng nhẹ kể từ tháng 2 vừa qua, thời điểm mà dịch Covid-19 bắt đầu lan ra khắp thế giới.
 
Những ý tưởng mà người dân trên toàn thế giới đề xuất để tăng cường hợp tác quốc tế đặc biệt bao gồm việc thiết lập các quan hệ đối tác hiệu quả hơn với xã hội dân sự và xã hội tư nhân, cũng như sự tham gia rộng rãi hơn của phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa và các nhóm dễ bị tổn thương vào trong quá trình soạn thảo các chính sách. Theo Cố vấn hàn lâm của Liên Hợp Quốc Cecilia Cannon, đại dịch Covid-19 là lời nhắc nhở mạnh mẽ và là lời cảnh báo về nguy cơ một thảm họa toàn cầu mà thế giới sẽ phải đối mặt nếu “không biết cách làm việc cùng nhau”./.
 
Theo VOV