01:08, 08/08/2020

Sức nóng của cuộc đua sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới

Hàng tỷ USD được các quốc gia đưa ra với hy vọng có thể sở hữu vaccine sớm nhất và nhiều nhất.

Hàng tỷ USD được các quốc gia đưa ra với hy vọng có thể sở hữu vaccine sớm nhất và nhiều nhất.
 
Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên, vaccine hiện là hi vọng lớn nhất của người dân thế giới trong cuộc chiến đầu chống đại dịch. Hàng tỷ USD được các quốc gia đưa ra với hy vọng có thể sở hữu vaccine sớm nhất và nhiều nhất, khi cuộc đua bào chế vaccine của thế giới đang dần đến hồi ngã ngũ. Mặc dù chưa có thử nghiệm lâm sàng nào hoàn thành, một số manh mối về giá cả vaccine cũng bắt đầu xuất hiện.
 
 

 

Ảnh minh họa: IranPress.
Ảnh minh họa: IranPress.
 
Tập đoàn công nghệ sinh học Mỹ Moderna cho biết, sẽ bán với giá từ 32 đến 37 USD một liều vaccine ngừa Covid-19 cho khách hàng. Vaccine mang tên mRNA-1273 của Moderna dựa trên kỹ thuật tân tiến, đang là một trong những ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua bào chế vaccine của thế giới. Tập đoàn cho biết sẽ giảm giá thành cho những hợp đồng có số lượng lớn.
 
Với khẳng định sẽ đảm bảo vaccine có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, nhưng vaccine của Moderna có giá gần gấp đôi đối thủ của họ, hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ.
 
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khoa học của Pfizer Mikael Dolsten cho biết, nếu họ thành công, vaccine sẽ được bán ra với giá chỉ 19,5 USD/liều: “Chúng tôi đang đầu tư lên tới hàng tỷ USD vào nghiên cứu vaccine và đang cho các kết quả rất hứa hẹn. Chúng tôi đang có thỏa thuận về 400 triệu liều vaccine với chính phủ với giá 19,5 USD một liều. Với một người cần hai liều vaccine chỉ có giá gần 40 USD, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại vaccine cúm”.
 
Tại Anh, liên minh Sanofi và GlaxoSmithKline cũng đang phát triển các loại vaccine Covid-19 với giá bán chỉ gần 11 USD/liều, trong khi Nga, quốc gia đầu tiên dự kiến cấp phép đăng ký vaccine ngừa Covid-19 vào tuần tới chưa đề cập giá cả cụ thể.
 
Trong bối cảnh dịch Covid 19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, việc sở hữu vaccine quan trọng hơn cả giá cả. Tính đến ngày mùng 3/7, Tập đoàn Moderna cho biết họ đã nhận được hơn 400 triệu USD tiền đặt cọc. Hàng loạt các đơn hàng khủng được các nước như Brazil hay Nhật Bản thông báo mấy ngày qua trên thị trường vaccine ngừa Covid-19 của thế giới. Mỹ hay châu Âu trước đó cũng tuyên bố bỏ ra hàng tỷ USD để sở hữu vaccine ngừa Covid-19.
 
Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế có sự gắn kết và tương tác lẫn nhau, việc các nước giàu dù tìm cách sở hữu vaccine vẫn không thể trở thành những 'thiên đường an toàn' trước virus, nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm.
 
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng sự chia sẻ vaccine đồng đều là điều kiện cho sự phục hồi toàn cầu: “Một phần hay một số nước không thể phục hồi và trở thành thiên đường an toàn nếu chỉ mình họ sở hữu vaccine. Họ nên cùng bước với phần còn lại của thế giới. Hãy chia sẻ vaccine hay các biện pháp khác để giúp thế giới phục hồi cùng nhau, khôi phục kinh tế nhanh hơn và giảm tác động của Covid-19”.
 
Hiện có nhiều lo ngại một số quốc gia đang phát triển sẽ khó tiếp cận được với vaccine ngừa Covid-19, Nga hôm qua (7/8) cho biết nước này sẵn sàng cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Philipines, hoặc hợp tác với các tập đoàn Philipines để sản xuất vaccine hàng loạt trong nước./.
 
Theo VOV