Các chuyên gia cảnh báo, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng nóng lên và 2 bên dần bước vào một địa hạt nguy hiểm.
Các chuyên gia cảnh báo, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng nóng lên và 2 bên dần bước vào một địa hạt nguy hiểm.
Sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người nói về một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, tương tự như những gì đã từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh báo Washington và Bắc Kinh đang bước vào một địa hạt nguy hiểm.
Đối đầu nguy hiểm
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng có xu hướng toàn cầu hóa trong việc chống lại Trung Quốc, buộc các nước khác phải từ bỏ các khoản viện trợ có điều kiện của Trung Quốc, tẩy chay gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc và lựa chọn một cách không hề dè dặt đứng về phía những nước bất đồng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhiều người cho rằng, Tổng thống Trump muốn chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc như một chiến lược quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới. Dù vậy, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi cho dù ông Trump thất bại trước và đối thủ Joe Biden – người mà ông luôn chỉ trích là không đủ cứng rắn.
Stephen Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard (Mỹ) nói rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm trong một cuộc cạnh tranh dài hạn về “những tầm nhìn chiến lược không thể dung hòa”, trong đó có cả tham vọng của Trung Quốc muốn chi phối ảnh hưởng toàn châu Á.
Trung Quốc coi ông Trump là một “nhà lãnh đạo sai sót, yếu kém” và thậm chí tin rằng phản ứng “thảm họa” của Mỹ đối với đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để nước này tận dụng nhằm thúc đẩy các lợi thế của mình.
“Điều đó [đối đầu Mỹ-Trung] tương tự với Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô ở một số khía cạnh, nhưng nó vẫn chưa nguy hiểm như cuộc đối đầu trước đây”, Walt nói.
“Có một sự khác biệt là hai nước vẫn có sự kết nối đan xen, gần gũi về kinh tế, mặc dù mối quan hệ này hiện nay đang căng thẳng đáng kể”, giáo sư Walt nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từng lên tiếng cảnh báo một cách cứng rắn về Trung Quốc trên khắp thế giới, cũng không phủ nhận có sự tương đồng với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ chưa bao giờ đan xen về mặt kinh tế với Liên Xô và rằng ngày nay phương Tây cần phải tách biệt khỏi Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, điều mà Mỹ lo ngại được sử dụng cho mục đích do thám.
“Chiến tranh nóng”
Oriana Skylar Mastro, một trợ lý giáo sư tại Đại học Georgetown và học giả tại Viện doanh nghiệp Mỹ nói rằng, sẽ là điều nguy hiểm khi nói về một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc.
“Tình hình hiện nay [giữa Mỹ] với Trung Quốc không hề giống như Chiến tranh Lạnh. Ở mặt tích cực, chúng ta có các cam kết phạm vi rộng. Ở mặt tiêu cực, có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh nóng giữa 2 bên tới mức mà chúng ta chưa từng thấy trong cuộc chiến với Liên Xô trước đây”, bà nói.
Theo bà Mastro, việc dùng góc nhìn “Chiến tranh Lạnh” có thể dẫn tới những đối sách không hiệu quả, trong đó có thể bao gồm cả việc Mỹ nhìn nhận sai lầm rằng Trung Quốc là một mối đe dọa về ý thức hệ.
Bà Mastro cũng nói rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn để giảm bớt các mối lo ngại của Mỹ, như rút hệ thống vũ khí trên Biển Đông.
“Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không làm điều đó vì sự hiểu lầm căn bản đối với các xu hướng chính sách của Mỹ. Bắc Kinh nghĩ rằng Mỹ đang phản ứng trước sự suy giảm quyền lực của chính mình – và rằng cho dù Bắc Kinh có hành động thế nào, Mỹ cũng sẽ vẫn công kích. Do vậy, Bắc Kinh sẽ không có động lực để tiết chế các tham vọng của mình. Đây là một sai lầm và nó có thể dẫn chúng ta tới một cuộc chiến tranh”, bà nói.
Kịch bản không nằm ngoài dự đoán
Có một sự thay đổi đáng kể so với cách đây vài năm, đó là chính các doanh nghiệp Mỹ, vốn bị tác động bởi điều mà họ cho là ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, lại đang lên tiếng một cách hiếm thấy kêu gọi giảm căng thẳng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi là điều không nằm ngoài dự đoán.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á David Stilwell cho biết trong một sự kiện gần đây rằng, điều ông học được khi còn là tùy viên quốc phòng Mỹ ở Bắc Kinh là Trung Quốc luôn hành động đáp trả một cách “rõ ràng và hữu hình”.
Điều này có thể thấy rõ khi Mỹ gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ… phía Trung Quốc cũng đều đáp trả một cách mạnh mẽ.
Tổng thống Trump vẫn bày tỏ hy vọng bảo toàn một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đã cam kết sẽ tăng cường thu mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều biết Bắc Kinh không còn khả năng thực hiện đầy đủ thỏa thuận này. Hậu quả là 2 bên có thể sẽ lại “ăn miếng trả miếng” với nhau như những gì thế giới từng chứng kiến cách đây 2 năm./.
Theo VOV