04:07, 24/07/2020

Biển Đông căng thẳng, Indonesia tiến hành tập trận quy mô lớn

Sau khi từ chối đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Indonesia bước vào cuộc tập trận tác chiến quy mô lớn ở khu vực biển Natuna của nước này.

Sau khi từ chối đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Indonesia bước vào cuộc tập trận tác chiến quy mô lớn ở khu vực biển Natuna của nước này.
 
Từ ngày 22/7 đến ngày 26/7, Hạm đội miền Tây của lực lượng Hải quân Indonesia tổ chức các cuộc tập trận quanh khu vùng biển Java. Trong đó sẽ có một số cuộc tập trận tác chiến đổ bộ diễn ra trên vùng biển Natuna, quần đảo Riau thuộc Indonesia ở Biển Đông.
 

 

Indonesia tập trận trên biển. Nguồn: CNN Indonesia
Indonesia tập trận trên biển. Nguồn: CNN Indonesia
 
Phát ngôn Bộ Chỉ huy hạm đội hải quân I của Indonesia, ông Fajar Rohadi cho biết, đây là khóa huấn luyện "phức hợp" nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 2.000 binh sĩ, 26 tàu chiến, 15 máy bay chiến đấu của lực lượng Hải quân, hai máy bay chiến đấu của lực lượng Không quân và 18 phương tiện chiến đấu trên biển khác. Cuộc tập trận nằm trong chương trình đào tạo thường xuyên của quân đội quốc gia Indonesia nhằm nâng cao kĩ năng tác chiến của quân đội.
 
Giữa tháng 6 vừa qua, Hải quân Indonesia đã triển khai 4 tàu chiến dọc theo vùng biển Natuna để theo dõi, dự đoán tình hình gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông, đồng thời bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Indonesia trong vùng biển tranh chấp của một số quốc gia.
 
Nhà quan sát quân sự của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia, ông Beni Sukadis đánh giá, việc huấn luyện quân sự do Hải quân thực hiện ở vùng biển Nam Natuna không phải là một hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, mà là một nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền hàng hải của Indonesia. Bất kể tình hình Biển Đông, việc thường xuyên tập trận là điều rất cần thiết để tăng cường kỹ năng của quân đội.
 
Trong khi đó tại Jakarta, cùng ngày, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) đã khánh thành Trung tâm Thông tin Hàng hải (IMIC) để trao đổi dữ liệu và thông tin trong bối cảnh thực thi pháp luật trên biển, đồng thời tăng cường bảo vệ an ninh biển tại quốc gia vạn đảo.
 
Indonesia không tham gia các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, vào năm 2016 và vào cuối năm 2019, căng thẳng đã xảy ra giữa Jakarta và Bắc Kinh do sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo Natuna của Indonesia. 
 
Indonesia đã từ chối lời kêu gọi đàm phán của Trung Quốc về cái mà Bắc Kinh gọi là quyền và lợi ích hàng hải chồng chéo ở vùng biển ngoài khơi Natuna, nằm ở phía Nam Biển Đông.
 
Theo Ngoại trưởng Indonesia, việc Bắc Kinh tuyên bố các quyền lịch sử và đánh bắt cá trên vùng biển trùng với vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016./.
 
Theo VOV