12:06, 10/06/2020

Châu Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt Covid-19

Đến sáng 10-6, thế giới vẫn chứng kiến tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 nhanh chóng khi tình hình dịch tại châu Mỹ và nhiều nơi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đến sáng 10-6, thế giới vẫn chứng kiến tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 nhanh chóng khi tình hình dịch tại châu Mỹ và nhiều nơi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
 
 

 

Thi thể người tử vong do Covid-19 được đưa vào kho lưu trữ ngoài trời ở Brazil. (Ảnh: INT)
Thi thể người tử vong do Covid-19 được đưa vào kho lưu trữ ngoài trời ở Brazil. (Ảnh: INT)
 
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 8 giờ sáng 10-6 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là 7.316.820 ca, tăng gần 170 nghìn ca so với một ngày trước đó. Cho đến nay, thế giới có 413.625 ca tử vong, số người đã bình phục là 3.602.502.
 
Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất, lần lượt là 2.045.549 và 114.148 ca. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Brazil là nước ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất, 31.197 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 742.084 ca, nhiều thứ hai thế giới, trong đó 38.497 ca tử vong. Vương quốc Anh hiện là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 40.883 ca (theo công bố của Chính phủ Anh), trong khi theo Cơ quan thông kê quốc gia của Anh, số người tử vong thực tế do dịch Covid-19 tại nước này đã lên tới gần 50.000 người.
 
Châu Mỹ
 
Theo CNN, ước tính hơn một nửa số bang ở Mỹ có thể chưa tính hết số ca nhiễm. Theo trang tin này, ít nhất 28 bang chưa làm theo hướng dẫn của Các trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc ghi nhận số ca nhiễm mới, một nửa trong số này đã chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng trong tuần trước.
 
CDC cho hay, các bang nói trên không thông báo các ca nghi ngờ nhiễm, tức là người đáp ứng "tiêu chí lâm sàng" và "bằng chứng dịch tễ", hoặc người có "bằng chứng được cho là nhiễm"nhưng không được xét nghiệm. Một số bang đông dân nhất như California, Florida, New York và Texas nằm trong số những bang mà CDC không được cung cấp số liệu. Điều này diễn ra trong bối cảnh 26 bang khác đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng liên tục.
 
Trong khi đó, tại Brazil, trước những chỉ trích gay gắt của dư luận trong nước trong những ngày qua liên quan tới việc thông tin về tình hình dịch bệnh, Chính phủ Brazil cũng đã buộc phải quay trở lại cách công bố số liệu dịch bệnh như trước đây, trong đó bao gồm việc thông tin tổng số lượng ca nhiễm bệnh, số ca nhiễm mới và công bố vào “giờ vàng” buối tối (20 giờ, giờ địa phương).
 
Bộ Y tế Mexico ngày 9-6 thông báo thêm 4.199 ca dương tính với Covid-19 và 596 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 và tử vong trên toàn quốc lên lần lượt là 124.301 ca và 14.649 ca. Chính phủ Mexcio cho hay, con số thực tế về Covid-19 còn cao hơn nhiều so với số thống kê chính thức.
 
Trong ngày 9-8, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các ca nhiễm mới tại một số khu vực ở Mỹ Latinh mà đến nay mới chỉ có số lượng lây nhiễm hạn chế. Theo bà Etienne, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh tại các quốc gia như Mexico, Panama, Costa Rica, Brazil, Peru, Chile, Venezuela, Haiti và Suriname. Bà cảnh báo nếu không có cơ chế hợp tác hiệu quả, Mỹ Latinh có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của dịch. Giám đốc PAHO kiến nghị các nước tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giám sát và cách ly các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng cho tới khi giới chuyên môn tìm ra được loại vaccine hoặc phương pháp điều trị hiệu quả. Ngoài ra, bà Etienne cảnh báo sự gia tăng của bệnh cúm mùa tại Mỹ Latinh cũng có thể sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh.
 
Châu Á
 
Sáng 10-6, Trung Quốc và nhiều quốc gia khu vực Đông-Nam Á như Việt Nam Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Brunei, tiếp tục duy trì đà tích cực khi không ghi nhận ca nhiễm mới trong nội địa và có thêm ca tử vong. Nổi bật, tại Lào, sau hơn hai tháng phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus, ngày 9-6, bệnh nhân cuối cùng trong số 19 bệnh nhân đã xuất viện. Đây được coi là một thắng lợi đối với ngành y tế vốn còn nhiều khó khăn của quốc gia này.
 
Ngược lại, Indonesia ngày 9-6 ghi nhận thêm 1.043 ca nhiễm, số ca mới hàng ngày cao nhất từ trước tới nay sau khi chính phủ nước này nới lỏng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đưa cuộc sống của người dân dần trở về trạng thái bình thường. Như vậy, tính tới nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 33.076 ca nhiễm, trong đó có 1.923 ca tử vong. Quốc đảo này vẫn là nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trong khu vực.
 
Philippines ghi nhận thêm sáu ca tử vong và 518 ca nhiễm mới. Tính tới nay, tổng số người mắc Covid-19 tại Philippines là 22.992 người, trong đó có 1.071 ca tử vong. Malaysia ghi nhận bảy ca mắc mới, trong đó có sáu ca nhập cảnh và một ca trong cộng đồng có tiếp xúc với lao động nước ngoài, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 8.336 gồm 117 ca tử vong. Singapore vẫn ghi nhận 281 ca mắc mới, trong đó có sáu ca lây nhiễm trong cộng đồng, số ca còn lại vẫn là trong đối tượng lao động nước ngoài. Cho tới nay, Singapore có 38.514 ca mắc Covid-19 với số ca tử vong không đổi ở mức 25 ca.
 
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách y tế nước này đang cân nhắc áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn tại khu vực đông dân cư ở khu vực thủ đô Seoul sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục gia tăng. Báo cáo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc sáng 10-6 cho biết, nước này ghi nhận thêm 50 ca Covid-19 nâng tổng số ca mắc toàn quốc lên 11.902 ca. Trong số 50 ca mắc mới có 43 ca lây nhiễm trong nội địa. Ngoài ra, nước này có thêm bảy ca Covid-19 nhập cảnh và thêm hai ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay là 276 ca. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Hàn Quốc là 2.32%. Tổng số người bệnh hồi phục sau Covid-19 là 10.611 người. Kể từ 3-1 đến nay, Hàn Quốc đã thực hiện 1.051.972 xét nghiệm SARS-CoV-2.
 
Châu Á vẫn chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp tại một số điểm nóng như Ấn Độ và Iran. Ngày 9-6, giới chức thủ đô Delhi (Ấn Độ) cảnh báo số ca nhiễm virus tại vùng này có thể tăng gấp 20 lần lên mức 500.000 ca trong vài tuần tới. Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh. Riêng tại bang Maharashtra có trung tâm tài chính Mumbai, số ca mắc Covid-19 trong ngày 9-6 đã vượt mốc 90 nghìn ca mắc Covid-19. Tới nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã ghi nhận khoảng 276.146 ca nhiễm và 7.750 ca tử vong, đứng thứ 5 thế giới.
 
Cùng ngày, một quan chức y tế Iran ước tính khoảng 15 triệu người dân nước này, tương đương với 18,75% dân số, có thể đã nhiễm virus kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ hồi tháng 2. Hiện Iran ghi nhận 8.425 ca tử vong và 175.927 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua có thêm 74 ca tử vong và hơn 2.000 ca mới được ghi nhận tại quốc gia này.
 
Châu Âu
 
Nhiều nước châu Âu đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
 
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 9-6 (giờ địa phương) đã đạt được thỏa thuận với Đảng Quốc gia Basque (PNV) và đảng Ciudadanos ủng hộ một đạo luật về "quy tắc mới" để thiết lập các khuôn khổ cuộc sống tại Tây Ban Nha cho đến khi có một phương pháp điều trị hoặc vaccine hiệu quả sau khi lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn lây lan của Covid-19 hết hạn vào ngày 21-6. Luật này sẽ được trình lên Quốc hội Tây Ban Nha trong ngày hôm nay để được thông qua.
 
Nhằm góp phần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, các nghị sĩ Thụy Sĩ cùng ngày 8-6 đã “bật đèn xanh” cho ứng dụng theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ không dây Bluetooth. Nhờ công nghệ này, ứng dụng theo dõi những người có thể vô tình tiếp xúc lâu với một cá nhân sau đó cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
 
Chính phủ Slovenia thông báo mở cửa khẩu cho phép công dân của 14 nước châu Âu qua lại do tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến tích cực. Chính phủ Slovenia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ giữa tháng 3 và dần nới lỏng những biện pháp này từ ngày 20-4.
 
Đến sáng nay, trên toàn nước Nga ghi nhận 485.253 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.142 ca tử vong và 242.397 ca bình phục sau điều trị. Mặc dù là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Âu, song nhà chức trách nước này vẫn cho phép người dân thủ đô Moscow bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường trong ngày 9-6 khi lệnh đóng cửa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 được dỡ bỏ sau hơn hai tháng. Chính quyền Moscow vẫn thông báo hơn 1000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các hạn chế khác dự kiến sẽ được dỡ bỏ trong tháng 6.
 
Châu Phi
 
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia có số ca Covid-19 cao nhất trong khu vực với 52.991 ca sau khi tiếp tục ghi nhận đà tăng số ca mắc mới với 2.112 ca trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong do Covid-19 hiện ở mức 1.162 ca sau khi có thêm 82 ca mới. Theo sau là Ai Cập với 36.829 ca mắc khi có thêm 1.385 ca trong ngày. Trong tổng số ca mắc Covid-19 có 1.306 ca tử vong.
 
Dịch Covid-19 đã buộc CH Chad phải tiếp tục trì hoãn bầu cử quốc hội. Ngày 9-6, Uỷ ban bầu cử (CENI) cho biết cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 12-2020 sẽ tiếp tục bị trì hoãn do dịch và chưa thể ấn định thời điểm tổ chức cụ thể. Hiện nước này ghi nhận 844 ca mắc Covid-19, trong đó có 71 ca tử vong.
 
Tại Ethiopia, các ca nhiễm đầu tiên đã được ghi nhận trong trại tị nạn đông đúc. Quan chức y tế khu vực Tigray, ông Samuel Aregay cho biết các cư dân trong trại sống rất gần nhau, năm hoặc sáu người trong một căn phòng rất nhỏ. Đây là một khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
 
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), trại này có gần 34.000 người, trong số gần 100.000 người tị nạn Eritrea trải rộng trên bốn trại ở tỉnh Tigray, và trên tổng số hơn 170.000 trên quốc gia này. Các quan chức của Bộ Y tế cho biết không thể xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh ở các trại tị nạn này nên không thể đưa vào báo cáo hàng ngày.
 
Ethiopia đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 vào giữa tháng 3, và tính đến chiều ngày 9-6, nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.336 và 32 ca tử vong, trong đó tăng 180 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là con số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Phi này.
 
Theo nhandan.com.vn