Theo Reuters và TTXVN, ngày 23-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định phần lớn các nước vẫn ở giai đoạn đầu ứng phó dịch.
* Nhiều nước tiếp tục giãn cách xã hội
Theo Reuters và TTXVN, ngày 23-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định phần lớn các nước vẫn ở giai đoạn đầu ứng phó dịch. Tổng Giám đốc WHO T.Ghebreyesus đánh giá dịch bệnh đang thuyên giảm ổn định tại các quốc gia Tây Âu, nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như Đông Âu. WHO kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đóng băng quỹ tài trợ cho tổ chức này.
* Ngày 22-4, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng báo động đến tháng 5. Đây là lần thứ ba chính phủ của Thủ tướng P.Sanchez đề nghị kéo dài tình trạng báo động. Tây Ban Nha đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm Covid-19 với hơn 213 nghìn ca và hơn 22.100 người đã chết.
* Chính phủ Anh thông báo kế hoạch nghiên cứu quy mô lớn kéo dài một năm với khoảng 300 nghìn người tham gia nhằm truy tìm Covid-19 trong toàn dân. Kết quả nghiên cứu sơ bộ công bố đầu tháng 5 sẽ được dùng làm cơ sở để chính phủ đưa ra quyết định về nới lỏng lệnh phong tỏa. Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh nhận định Anh có thể duy trì giãn cách xã hội đến hết năm nay, do lo ngại nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá nhanh sẽ có thể dẫn tới một làn sóng dịch bệnh thứ hai.
* Thủ tướng Phần Lan S.Marin cho biết quy định cấm tụ tập hơn 300 người đã được gia hạn đến tháng 7, song các hạn chế khác sẽ sớm được dỡ bỏ. Chính phủ hiện chưa quyết định về việc có cho phép trẻ em trở lại trường học vào tuần tới hay không.
* Từ ngày 23-4, Bộ Y tế Séc sẽ tiến hành xét nghiệm đại trà miễn phí kéo dài 14 ngày với khoảng 27 nghìn người tham gia nhằm xác định tỷ lệ lây nhiễm và khả năng miễn dịch cộng đồng. Chính phủ Séc có kế hoạch giải ngân khoản tiền 46,97 tỷ USD, tương đương 21,5% GDP, để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
* Chính phủ Thụy Sĩ quyết định triển khai bán khẩu trang trên diện rộng. Trong hai tuần tới, quân đội sẽ cung cấp cho các cửa hàng một triệu khẩu trang/ngày để bán cho người dân. Thụy Sĩ đã ngừng lệnh phong tỏa toàn bộ, nhưng đến ngày 27-4 tới, các hạn chế mới bắt đầu được nới lỏng, nếu tốc độ lây lan của dịch có chiều hướng giảm bớt.
* Ủy ban châu Âu dự kiến giữa tháng 5 tới sẽ công bố quy định về bảo đảm an toàn để nối lại việc đi lại bằng đường hàng không khi các biện pháp giãn cách xã hội kết thúc. Ủy viên phụ trách vấn đề giao thông của Liên hiệp châu Âu A.Va-len cho biết ủy ban đang cân nhắc quy định đeo khẩu trang và khử trùng các máy bay và sân bay.
* Trong 24 giờ qua, số ca tử vong mới do Covid-19 tại Mỹ đã giảm, song Mỹ hiện vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với hơn 48 nghìn ca và hơn 852 nghìn ca nhiễm. Thống đốc bang New York cho biết, Tổng thống D.Trump đã cam kết hỗ trợ bang này nâng khả năng xét nghiệm lên tới 40 nghìn xét nghiệm chẩn đoán bệnh và xét nghiệm kháng thể mỗi ngày.
* Thủ tướng Canada J.Trudeau công bố chương trình hỗ trợ toàn diện trị giá 6,35 tỷ USD dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học và cả những sinh viên đang theo học. Các chương trình này không chỉ bảo đảm để các sinh viên có được sự hỗ trợ tài chính, mà còn đem đến nhiều cơ hội và kinh nghiệm việc làm.
* Tại Bahrain, các biện pháp đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch lây lan sẽ được kéo dài thêm hai tuần, từ ngày 23-4 đến 7-5. Theo đó, các rạp chiếu phim, trung tâm thể dục, thể thao, các cơ sở làm đẹp tiếp tục đóng cửa, các nhà hàng hoạt động ở mức hạn chế.
* Iran đã mở cửa trở lại các công viên và khu vui chơi giải trí từ ngày 22-4, dù nước này vẫn là một trong những điểm nóng dịch bệnh tại Trung Đông. Trước đó, Chính phủ Iran đã cho mở lại các trung tâm mua sắm và khu chợ, bãi bỏ lệnh cấm đi lại trong thành phố, song vẫn kéo dài thời gian đóng cửa trường học, cấm các cuộc tụ tập văn hóa, tín ngưỡng hay thể thao...
* Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi các nước thành viên giúp đỡ những nước Hồi giáo đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống dịch, nhất là những nước ở châu Phi. OIC cũng nhắc lại kêu gọi của Liên hợp quốc thiết lập ngừng bắn tại các khu vực xung đột nhằm tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển đồ cứu trợ, nhất là đến Yemen.
* Chính phủ Zimbabwe ra lệnh “đóng băng” giá nhu yếu phẩm nhằm bảo vệ người dân khỏi tình trạng tăng giá vô lý trong thời gian nước này thực hiện phong tỏa kéo dài năm tuần để ngăn chặn dịch. Zimbabwe đang trải qua tình trạng siêu lạm phát, với mức lạm phát hằng năm trong tháng 2 vừa qua lên tới hơn 500%.
* Tại Ai Cập, Quốc hội đã phê chuẩn các điều khoản sửa đổi luật tình trạng khẩn cấp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dịch, gồm đóng cửa trường học, cấm tụ tập nơi công cộng, cách ly người mới nhập cảnh, cấm xuất khẩu một số mặt hàng. Tổng thống A.Sisi kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế, trong bối cảnh người Hồi giáo chuẩn bị bước vào tháng lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 24-4.
* Chính phủ Niger quyết định nới lỏng lệnh giới nghiêm ở thủ đô, sau một tuần diễn ra các cuộc biểu tình phản đối quy định giới nghiêm và lệnh hạn chế cầu nguyện tập thể. Cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 300 đối tượng bị cáo buộc có hành vi cực đoan trong các cuộc biểu tình.
* Các nhà khoa học Israel công bố công nghệ biến nước máy thành chất sát khuẩn hiệu quả và an toàn chống Covid-19, không gây hại môi trường. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện quá trình điện hóa nước, sau đó ứng dụng một công nghệ đơn giản để biến nước thành chất sát khuẩn.
* Thủ tướng Australia S.Morrison kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng thêm quyền hạn cho WHO để đối phó với các đại dịch trong tương lai. Theo đề xuất, với quyền hạn giống như các thanh sát viên vũ khí, các quan chức y tế của WHO có thể thị sát và tiến hành điều tra nguồn gốc của dịch bệnh ở một nước mà không cần nhận được lời mời.
* Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhận định, đại dịch có thể khiến lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn thế giới giảm hai phần ba, tương đương 1,2 tỷ người vào tháng 9 tới. Doanh thu của ngành hàng không sẽ sụt giảm khoảng 160 đến 253 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2020.
Theo nhandan.com.vn