Liên Hợp Quốc ngày 24/4 kêu gọi sự nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc phát triển vaccine phòng chống Covid-19.
Liên Hợp Quốc ngày 24/4 kêu gọi sự nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc phát triển vaccine phòng chống Covid-19.
Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới ngày 24/4 công bố sáng kiến nhằm tìm ra phương thuốc hiệu quả điều trị bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2, trong bối cảnh số người tử vong trên thế giới đã vượt quá mốc 200.000 người và gây đình trệ gần như toàn bộ các hoạt động trên hành tinh. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo chỉ có phát triển vaccine hoặc tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả mới có thể cho phép đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tổ chức Liên Hợp Quốc này cũng thừa nhận, đây là một cuộc chiến dài hơi.
Gần như tất cả các tập đoàn dược phẩm và các phòng thí nghiệm hàng đầu đã tham gia vào cuộc đua, với gần 10 loại vaccine đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, đặc biệt là tại Anh và Đức.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, thách thức lớn nhất là làm thế nào đạt được một loại vaccine và phương pháp điều trị “giá cả phải chăng, an toàn, hiệu quả” và nhất là có thể dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người ở tất cả các khu vực trên thế giới. Sẽ là không thể chấp nhận khi một giải pháp chỉ phục vụ một nửa nhân loại, trong khi lại gạt bỏ những người nghèo nhất.
Sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine đã từng xảy ra trong các dịch bệnh trước đó, như giai đoạn đầu của dịch cúm H1N1 năm 2009 và theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, tình trạng này không thể tái diễn trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Chúng ta sẽ chiến thắng virus SARS-CoV-2 nếu chúng ta hợp lực và xây dựng một liên minh hùng mạnh. Tôi đồng ý với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rằng vaccine là lợi ích chung toàn cầu, cần sản xuất và sau đó chia sẻ trên toàn thế giới”, bà Merkel nói.
Sáng kiến của Liên Hợp Quốc có sự tham gia của nhiều nước châu Âu, châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, với hơn 119.000 người tử vong, song lại vắng bóng Trung Quốc - quốc gia đầu tiên bùng phát dịch bệnh và Mỹ - quốc gia có có nhiều ca mắc và tử vong nhất.
Tổng thống Pháp Macron cho biết không từ bỏ nỗ lực huy động tất cả các nước G7 và G20 cùng tham gia sáng kiến này, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động tất cả các nước G7 và G20 để họ ủng hộ sáng kiến này, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ. Bởi cuộc chiến chống Covid-19 là vì lợi ích chung của toàn nhân loại, chứ không phải là để phân chia kẻ thắng người thua”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Một người phát ngôn của đại diện Mỹ tại Geneva cùng ngày cho biết, Mỹ hoan nghênh những nỗ lực nghiêm túc nhằm vượt qua thách thức hiện nay và hi vọng học hỏi được nhiều hơn từ đề xuất của Tổ chức y tế thế giới. Tới nay Mỹ vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới, cho rằng cơ quan này đã không xử lý tốt cuộc khủng hoảng do Covid-19 ngay sau khi bùng phát.
Trong một diễn biến liên quan, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump vừa có phát biểu gây tranh cãi khi gợi ý tiêm chất khử trùng cho các bệnh nhân mắc Covid-19, một tuyên bố mà ngay ngày hôm sau chính nhà lãnh đạo này đã lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, phát biểu đã khiến các nhà khoa học và các nhà sản xuất chất khử trùng không thể ngồi yên.
Bác sĩ chuyên khoa phổi Vin Gupta và là một chuyên gia chính sách y tế toàn cầu cho rằng, ý tưởng về việc tiêm hoặc ăn bất kỳ loại sản phẩm làm sạch nào là vô trách nhiệm và nguy hiểm”.
Giáo sư y khoa Paul Hunter thì cảnh báo, người tiêm có thể không chết vì Covid-19 mà chết vì chất khử trùng. Theo số liệu thống kê mới nhất, Mỹ ngày 24/4 chứng kiến số ca tử vong theo ngày thấp nhất trong gần 3 tuần, với khoảng 1.250 ca tử vong mới trong 24 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, con số này không đánh dấu sự đảo chiều của xu hướng./.
Theo VOV