Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 75.578 ca mắc Covid-19 và 6.329 ca tử vong do Covid-19.
Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 75.578 ca mắc Covid-19 và 6.329 ca tử vong do Covid-19.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 23/4, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 2.631.338 trường hợp, trong đó 183.788 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 716.811 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 27.078 ca mắc và 2.161 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 845.822 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 47.479 trường hợp.
Các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu Mỹ cảnh báo chưa nên mở cửa trước khi mở rộng khả năng xét nghiệm Covid-19. Chủ tịch Viện Y khoa thuộc Đại học Harvard, Tiến sỹ Harvey Fineberg cho rằng vấn đề hiện nay không phải là lựa chọn đối phó với dịch bệnh hay nền kinh tế mà phải thực hiện song song cả hai.
Trong khi đó, Caroline Buckee), Phó giáo sư về dịch tễ học thuộc Đại học Harvard cho biết mức độ lây nhiễm ở các bang là khác nhau, chính vì vậy việc xác định mức độ lây nhiễm như thế nào sẽ là chìa khóa cho việc nới lỏng giãn cách xã hội và quay trở lại bình thường. Theo bà Buckee, khả năng xét nghiệm giới hạn đang là vấn đề lớn vì dịch bệnh có mức lây lan rất rộng. Bà Buckee cũng cảnh báo việc mở cửa quá sớm có thể dẫn tới làn sóng bùng phát thứ hai.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 208.389 sau khi ghi nhận thêm 4.211 trường hợp trong ngày 22/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 21.717 sau khi ghi nhận thêm 435 trường hợp trong ngày 22/4.
Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19 trong nửa cuối tháng 5. Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, các hạn chế do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng từ từ để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh sự bùng phát dịch trở lại.
Italy ghi nhận thêm 3.370 ca mắc mới và 437 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 187.327, trong đó có 25.085 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha nhưng là nước có số ca tử vong do dịch bệnh này cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 22/4 là 159.877 sau khi ghi nhận thêm 1.827 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày là 544, nâng tổng số ca tử vong lên 21.340.
Liên quan tới quá trình chuẩn bị cho giai đoạn hậu phong tỏa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các biện pháp sau khi dỡ bỏ phong tỏa sẽ được áp dụng theo tình hình thực tế tại mỗi vùng và theo lĩnh vực hoạt động, trong đó các vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể được nới lỏng các biện pháp hạn chế hơn.
Ông Macron cũng khẳng định, sau khi dỡ bỏ phong tỏa, nước Pháp sẽ thực hiện chiến lược xét nghiệm, cách ly, theo dõi và chăm sóc người mắc Covid-19 một cách chặt chẽ nhằm tránh một làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong khi đó, Học viện Y khoa quốc gia Pháp khuyến cáo việc mang khẩu trang phải trở nên bắt buộc tại các địa điểm công cộng. Học viện này cũng kêu gọi người dân tự sản xuất khẩu trang, trong bối cảnh nước Pháp đang thiếu trầm trọng loại dụng cụ bảo hộ này.
Đức ghi nhận thêm 1.609 ca mắc mới và 164 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 150.062 trong đó có 5.250 ca tử vong.
Anh ghi nhận thêm 4.451 ca mắc và 763 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 22/4. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 133.495 trường hợp, trong đó 18.100 ca tử vong.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thừa nhận, nước Anh vẫn đang trong tâm bão và dù đã nhìn thấy một chút ánh sáng cuối đường hầm nhưng vẫn còn rất xa.
Ngày 23/4, nước Anh sẽ chính thức tiến hành những thử nghiệm đầu tiên về loại vaccine ngừa Covid-19 do các nhà khoa học Anh nghiên cứu chế tạo. Tuy nhiên, Cố vấn trưởng Y học của Chính phủ Anh, Chris Whitty nhận định, khả năng vaccine được thừa nhận có hiệu quả để đưa vào sử dụng rộng rãi trong năm tới là rất ít, và do đó nước Anh sẽ phải sống với những biện pháp giãn cách xã hội đến ít nhất là cuối năm 2020, thậm chí sang năm 2021.
Ổ dịch lớn nhất Trung Đông – Thổ Nhĩ Kỳ - ghi nhận thêm 3.083 ca mắc mới và 117 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 22/4. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 98.674 trường hợp, trong đó có 2.376 ca tử vong.
Trong khi đó, tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran hiện tại là 85.996 sau khi ghi nhận thêm 1.194 trường hợp trong ngày 22/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 5.391 trường hợp.
Dịch bệnh tại Nga tiếp tục diễn biến phức tạp. Nước này ghi nhận thêm 5.236 ca mắc và 57 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 57.999 trường hợp, trong đó 513 trường hợp tử vong.
Nga hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 10 thế giới. Đại diện chính thức của Trung tâm Thông tin về kiểm soát tình hình dịch Covid-19 của Nga dự báo rằng, số mắc sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5 và đạt đỉnh, sau đó sẽ bắt đầu giảm từ cuối tháng 5.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, với 45.757 ca mắc và 2.678 ca tử vong do dịch bệnh này.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.788 trường hợp, trong đó có 4.632 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca nhập cảnh.
Số ca mắc Covid-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng.
Ấn Độ hiện đã có 21.370 ca mắc và 681 ca tử vong. Con số này tại Nhật Bản là 11.512 và 281, tại Hàn Quốc là 10.573 và 232.
Singapore hiện đã trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 10.141 ca mắc và 12 ca tử vong do Covid-19. Các con số này ở Indonesia là 7.418 và 635, ở Philippines là 6.710 và 466, ở Malaysia là 5.532 và 93./.
Theo VOV