Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên Hợp Quốc (UNECA), hôm 18/4, cho biết ít nhất 300.000 người châu Phi sẽ chết vì đại dịch COVID-19 và hàng chục triệu người có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo đói.
Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên Hợp Quốc (UNECA), hôm 18/4, cho biết ít nhất 300.000 người châu Phi sẽ chết vì đại dịch COVID-19 và hàng chục triệu người có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo đói.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong tuần qua, châu Phi đã ghi nhận sự gia tăng 51% số ca bệnh nhiễm mới và tăng 60% số ca tử vong. Với những khó khăn trong việc có được bộ dụng cụ chẩn đoán, khả năng con số thực về số ca nhiễm ở châu Phi có thể sẽ cao hơn nhiều.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại lục địa này đã lên tới 1.026 ca, trong khi tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 là 20.496 ca. Hiện, bệnh dịch đã lây lan ra 52 quốc gia ở châu lục này. Bắc Phi là khu vực dịch bệnh hoành hành mạnh nhất khi ghi nhận tổng số ca nhiễm virus và số ca tử vong cao. Đứng đầu là Ai Cập hiện với 2.844 bệnh nhân, tiếp sau là Nam Phi (2.783 bệnh nhân), Morocco (2.564 bệnh nhân), Algeria (2.418 bệnh nhân).
Hai nước duy nhất của châu Phi hiện chưa xác nhận ca mắc COVID-19 gồm Comoros và Lesotho. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên Hợp Quốc cảnh báo châu Phi có thể phải ghi nhận tới 300.000 ca tử vong do COVID-19. Bất cứ kịch bản nào cũng đều là quá tải đối với các hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu Phi.
Phần lớn các quốc gia châu Phi đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, từ giới nghiêm, giới hạn đi lại ở một số quốc gia cho đến phong tỏa hoàn toàn ở một số nơi khác. Tuy nhiên, việc chống dịch COVID-19 tại châu Phi là rất phức tạp bởi trên thực tế có 36% người dân ở châu lục này không được tiếp cận với các thiết bị giặt giũ gia dụng.
Châu Phi cũng chỉ có 1,8 giường bệnh/1.000 dân và nhập khẩu 94% dược phẩm. Khủng hoảng y tế cũng có thể làm rung chuyển nền kinh tế của châu lục này với nguy cơ đẩy hàng chục triệu người vào tình trạng cực kỳ nghèo đói. Chỉ riêng Nigeria sẽ mất tới khoảng 19 tỉ USD doanh thu từ xuất khẩu dầu trong năm 2020.
Theo baochinhphu.vn