Ngày 29-2-2020 vừa qua tại Doha, Qatar, đặc phái viên Mỹ cùng đại diện Taliban chính thức ký "Thỏa thuận Đem lại hòa bình cho Afghanistan" dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngày 29-2-2020 vừa qua tại Doha, Qatar, đặc phái viên Mỹ cùng đại diện Taliban chính thức ký “Thỏa thuận Đem lại hòa bình cho Afghanistan” dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Thỏa thuận này được kỳ vọng thắp sáng hy vọng hòa bình cho Afghanistan, là khởi đầu cho việc chấm dứt chiến cuộc sa lầy của Mỹ kéo dài hơn 18 năm qua ở Afghanistan, làm chết hơn 2400 binh lính Mỹ, hơn 3.500 người của liên quân quốc tế, tốn gần 1.000 tỷ USD. Cuộc chiến cũng làm hơn 40.000 dân thường Afghanistan thiệt mạng, 42.000 phần tử thuộc các lực lượng đối lập tử vong, tàn phá khủng khiếp đất nước Afghanistan.
Thỏa thuận được ký kết ở một thời điểm vô cùng đặc biệt và gây nhiều tranh cãi. Bởi kỳ vọng chấm dứt xung đột, đem lại hòa bình cho Afghanistan là một thiện chí có thật và chính đáng nhưng cách các bên tham gia ký kết thỏa thuận (Mỹ và Taliban) chưa làm hài lòng các bên liên quan nên tạo ra những rào cản trong việc thực thi thỏa thuận này một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Bên có lợi nhất trong thỏa thuận này là Taliban. Việc đàm phán đi đến ký kết thỏa thuận này là thành công ngoài mong đợi của Taliban. Bởi Taliban từ trước đến nay được xem là một phiến quân, là lực lượng khủng bố nên việc Mỹ ký thỏa thuận chính thức với Taliban mà không thông qua chính quyền Afghanistan là một sự thừa nhận. Từ đây nó tạo đà cho Taliban đòi hỏi các quyền lợi về chính trị trong và sau quá trình thực thi thỏa thuận này, đó là:
Với yêu cầu trao trả 5000 tù binh Taliban để đổi lại 1000 tù binh Afghanistan như Mỹ yêu cầu lại là một thắng lợi nữa của Taliban. Bởi nó không chỉ chênh lệch ở con số mà nó thể hiện sự “qua mặt” của Taliban đối với chính quyền Afghanistan khi việc đàm phán trao trả này không thông qua ý kiến của chính quyền Afghanistan. Vì thế chính quyền Afghanistan không đồng ý trao trả và lên án về tính chính danh và sự tùy tiện của Mỹ trong thỏa thuận này. Thời điểm 10/3 đang đến gần và đây là nút thắt của việc cam kết thực thi thỏa thuận của các bên. Nếu chính quyền Afghanistan không đồng ý trao trả 5000 tù binh thì Taliban sẽ gây sức ép lên chính phủ Mỹ, buộc Mỹ phải gây áp lực với chính quyền Afghanistan. Khi đó, có thể chính quyền Afghanistan yêu cầu đàm phán lại về số tù binh trao trả cho Taliban nhưng chắc chắn là Taliban sẽ không đồng ý hạ thấp dưới con số 5000. Chính quyền Afghanistan rơi vào thế khó xử và giằng co giữa 3 bên sẽ kéo dài làm cho thỏa thuận có thể bị ngưng trệ một thời gian.
Khi đi vào thực thi thỏa thuận, Taliban sẽ yêu cầu được tham gia với tư cách là một lực lượng chính trị ở Afghanistan, bởi Taliban hiểu rằng, nếu không chính danh về mặt chính trị trong nước thì không có chỗ đứng khi thực hiện thỏa thuận này và 14 tháng sau khi thỏa thuận đã được thực thi thì vị thế của Taliban sẽ như thế nào trong nền chính trị Afghanistan. Xét trong việc thực thi thỏa thuận với Mỹ thì đây là đòi hỏi chính đáng của Taliban, nhưng là một yêu cầu rất khó đối với chính quyền Afghanistan hiện tại và cả Mỹ. Vì nếu chính quyền hiện tại của Afghanistan đồng ý thì nó có nguy cơ đe dọa ngay chính chính quyền lực của họ, còn nếu không đồng ý thì Mỹ có thể gây áp lực, khi đó xung đột lại đẩy về nội bộ Afghanistan, đưa chính quyền hiện tại của Afghanistan vào thế vô cùng khó, tiến thoái lưỡng nan. Nếu căng thẳng giữa chính quyền Afghanistan và Taliban làm cho thỏa thuận không thực hiện được thì Mỹ sẽ đổ lỗi cho chính quyền Afghanistan hoặc Taliban hoặc cho cả 2. Trong tình thế này, chính quyền Afghanistan là bên chịu nhiều áp lực nhất.
Với Mỹ thì việc đi đến ký kết thỏa thuận này cũng là một thắng lợi. Bởi cuộc chiến này là sa lầy lớn nhất và kéo dài nhất của Mỹ. Qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ không giải quyết được, đến ông Trump là nhiệm kỳ thứ 5 thì vấn đề mới được tháo gỡ. Đây cũng là một thắng lợi chính trị cho chính cá nhân ông Trump khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Nhưng cũng chính là thách thức không nhỏ cho chính cá nhân ông với tư cách là Tổng thống Mỹ. Thách thức lớn nhất là làm sao thuyết phục được chính quyền Afghanistan đồng thuận thực thi thỏa thuận khi họ không phải là bên ký kết thỏa thuận và quyền lợi có phần bị hạn chế. Bên kia là những đòi hỏi chính đáng của Taliban nhưng lại quá tầm của chính quyền Afghanistan hiện tại. Một vấn đề nữa đặt ra là nếu ông Trump không tiếp tục trúng cử mà thay bằng một vị Tổng thống khác của đảng Dân chủ thì liệu thỏa thuận này có tiếp tục hay không. Hoặc nếu trong quá trình thực thi xảy ra những bất ổn từ trong nội bộ Taliban hay giữa Taliban và Afghanistan thì ông Trump có thay đổi thỏa thuận hay không, bởi ông Trump là người nổi tiếng trong việc này và đã từng tuyên bố Mỹ sẽ quay trở lại nếu thấy cần thiết. Thế nên, chính quyền Mỹ và bản thân ông Trump không phải là không khó xử trong những tình huống này.
Với Taliban thì dù đây là thắng lợi lớn nhưng không phải tất cả đều thuận lợi. Bởi lực lượng Taliban bao gồm nhiều phe phái, trong đó có những nhánh cực đoan. Việc ký thỏa thuận này bước đầu đã đạt được mục đích của các nhánh, nhưng quá trình thực hiện thỏa thuận này chưa chắc đã có được sự đồng thuận. Do đó, nếu một phe phái nào trong lực lượng Taliban có những hành động cực đoan hoặc đòi hỏi quá đáng, vượt khỏi thỏa thuận hoặc quá tầm kiểm soát của Mỹ và chính quyền Afghanistan thì sẽ là rủi ro rất lớn cho Taliban.
Chặng đường phía trước vẫn còn chông gai và mong manh, dễ vỡ, nhưng hy vọng hòa bình đã được lóe lên, hứa hẹn mang đến một tương lai sáng sủa hơn cho đất nước và người dân Afghanistan vốn đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát từ cuộc chiến vô nghĩa này.
TS Ngô Khắc Sơn
Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực III.