Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump, hai đồng minh Ấn Độ và Mỹ đã nảy sinh khá nhiều bất đồng về thương mại và quân sự.
Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump, hai đồng minh Ấn Độ và Mỹ đã nảy sinh khá nhiều bất đồng về thương mại và quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 22/2. Đây là chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump kể từ năm 2016 với mục đích xoa dịu bất đồng, thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa hai đồng minh.
Trước thềm chuyến thăm, hai đồng minh Ấn Độ và Mỹ đã nảy sinh khá nhiều bất đồng về thương mại và quân sự. Bởi Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, còn Mỹ thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên" với việc áp các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Chuyến thăm của Tổng thống Trump lần này được coi là nỗ lực tháo gỡ những bất đồng nhằm thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.
Các rào cản với Ấn Độ khi Tổng thống Trump thăm nước này
chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Ấn Độ có những điểm không thuận, nếu không muốn nói là nhiều bất đồng. Trước tiên phải kể tới lĩnh vực thương mại, kinh tế. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump coi Ấn Độ là một trong những quốc gia đang lợi dụng ưu đãi thương mại của Mỹ.
Sau nhiều lần chỉ trích các chính sách bảo hộ của New Delhi và gọi nước này là “vua thuế” khi áp thuế nhập khẩu cao đối với nhiều mặt hàng Mỹ, tháng 3/2018, Washington đưa các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nhiều nước, trong đó có Ấn Độ.
Tiếp đó, từ ngày 5/6/2019, Mỹ chính thức chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GSP trong nhiều thập kỷ. Với việc chấm dứt cơ chế ưu đãi GSP cho Ấn Độ, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%. Mới nhất là việc Mỹ loại Ấn Độ và nhiều nước khác ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Đáp trả lại, Ấn Độ cũng đã tăng thuế với một loạt hàng hóa Mỹ từ tháng 6/2018.
Ngay trước khi lên đường sang Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại lớn với Ấn Độ nhưng giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận nếu có đạt được sẽ chỉ ở quy mô nhỏ, hoặc mang tính tượng trưng. Bởi lẽ các cuộc đàm phán giữa hai bên chưa có tiến triển nào đáng kể.
Bất đồng thứ hai phải kể đến thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 mà Ấn Độ đã ký với Nga tháng 10/2018. Hành động này khiến Mỹ nổi giận bởi Ấn Độ từng là bạn hàng lớn của Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng suốt nhiều năm. Mỹ còn muốn bán các thiết bị quân sự công nghệ cao cho Ấn Độ, như một phần trong chiến lược thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Nếu không dàn xếp được vụ việc này, Mỹ có thể sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ bằng trừng phạt (CAATSA) nhằm ngăn chặn hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Nga. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng không muốn Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Iran. Nhìn chung, là một đối tác và đồng minh chính trị lâu năm nhưng quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang nảy sinh nhiều khúc mắc, một phần vì chính sách ‘Nước Mỹ trước tiên’ của Tổng thống Donald Trump.
Cơ hội xóa bỏ mâu thuẫn
Dù đang có nhiều khác biệt nhưng có thể nói cả Mỹ và Ấn Độ đều muốn thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn. Trước hết, về phía Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump tới New Delhi trong năm bầu cử Tổng thống mang nhiều hàm ý chính trị.
Đó là thông điệp tới cộng đồng người Mỹ gốc Ấn rằng chính quyền Mỹ vẫn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Đó còn là các mục tiêu địa chính trị lớn hơn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương khi Ấn Độ được coi là một đỉnh trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ. Ngay trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá gần 1,9 tỷ USD cho Ấn Độ.
Về phần Ấn Độ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng tỏ ý sẵn lòng đáp ứng các yêu cầu về thương mại của Mỹ, ví dụ như việc ký một bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ với Washington trong hai ngày làm việc tới. Người ta cũng hy vọng hai bên hoàn tất thỏa thuận 2,6 tỷ USD để Ấn Độ mua 24 máy bay trực thăng Seahawk của hãng Lockheed Martin. Bên cạnh đó, Ấn Độ thời gian qua cũng đã tham gia rất tích cực vào sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ đã đưa ra.
Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng trong khuôn khổ một chuyến thăm, chắc chắn những bất đồng còn tồn tại không thể giải quyết một cách dễ dàng. Người ta hy vọng sự kết nối chặt chẽ về chính trị chính là chìa khóa để cả Ấn Độ và Mỹ có thể giàn xếp những bất đồng này trong tương lai./.
Theo VOV