"Bạn sẽ thấy có 1 người lây nhiễm cho 100 người và cũng có thể có 10 người khác không lây nhiễm cho bất kỳ ai", chuyên gia Pangetsu nhận định.
"Bạn sẽ thấy có 1 người lây nhiễm cho 100 người và cũng có thể có 10 người khác không lây nhiễm cho bất kỳ ai", chuyên gia Pangetsu nhận định.
Trung bình nếu một ai đó bị nhiễm Covid-19, người này sẽ lây nhiễm cho 2 - 3 người khác. Sau đó, sẽ có những người mang mầm bệnh không lây nhiễm virus này cho bất cứ ai và cũng có những người, được gọi là các trường hợp "siêu lây lan", có thể khiến virus này lây nhiễm nhanh chóng tới nhiều người, cao hơn tỷ lệ trung bình trên.
Một ví dụ cho việc này là một người đàn ông quốc tịch Anh nhiễm Covid-19 đã lây nhiễm cho 11 người khác sau khi dự một cuộc họp doanh nghiệp được tổ chức tại Grand Hyatt, Singapore.
Liệu những bệnh nhân như thế này có phải là mối quan ngại trong cuộc chạy đua nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng y tế công cộng hiện nay vì Covid-19 hay không?
Những trường hợp "siêu lây lan" là gì?
Tikki Pangestu, một học giả tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho biết các trường hợp "siêu lây lan" là để chỉ 1 người nhiễm bệnh thường xuyên di chuyển nhiều và vì thế có nguy cơ lây nhiễm virus tới nhiều người khác ở các địa điểm khác nhau.
Những người như vậy thường sẽ xuất hiện trong hầu hết các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, họ từng xuất hiện trong suốt các đợt bùng phát dịch bệnh do các chủng khác của virus corona gây nên, chẳng hạn như SARS và MERS.
Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm chuyên gia Mount Elizabeth Novena nhận định một bệnh nhân nếu truyền nhiễm cho ít nhất 5 - 10 người khác sẽ được coi là một trường hợp "siêu lây lan".
Tuy nhiên, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với TODAY, các chuyên gia nhận định hiện vẫn thiếu thông tin để xác định những lý do vì sao một số bệnh nhân có khả năng "siêu lây lan" và một số bệnh nhân khác thì không.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNA, chuyên gia Pangestu nhấn mạnh việc 1 người nhiễm bệnh trung bình có nguy cơ lây nhiễm cho 2 - 3 người khác chỉ là những số liệu ước tính dựa trên dữ liệu có sẵn về Covid-19.
"Rất khó để xác định (tỷ lệ trung bình một bệnh nhân có thể lây nhiễm) đặc biệt là khi tình hình thay đổi mỗi ngày", chuyên gia Pangetsu - người từng là cựu giám đốc tại cơ quan hợp tác và nghiên cứu chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ nhấn mạnh.
"Bạn sẽ thấy có 1 người lây nhiễm cho 100 người và cũng có thể có 10 người khác không lây nhiễm cho bất kỳ ai".
Tại sao xuất hiện các trường hợp “siêu lây lan”?
Không có một câu trả lời cụ thể về việc vì sao những trường hợp "siêu lây lan" truyền nhiễm chủng virus này cho nhiều người, nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định có một số lý do lý giải tỷ lệ truyền nhiễm ở các bệnh nhân này lại cao hơn tỷ lệ trung bình trên.
Ooi Eng Eong, Phó Giám đốc Chương trình Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Duke-NUS cho biết nguyên nhân này có thể đơn giản là có những người nhiễm bệnh có nhiều mối quan hệ xã hội và những người khác thì không.
"Chẳng hạn, nếu họ vô tình ho vào tay và sau đó bắt tay hoặc chia sẻ đồ ăn với người khác mà không rửa tay, điều đó có thể khiến virus lây lan", giáo sư này giải thích.
Một khả năng nữa là những trường hợp "siêu lây lan" có thể là rơi vào những người có hệ miễn dịch kém và sau đó họ có thể làm lây lan một lượng lớn virus từ cơ thể của mình cho người khác.
Ông Leong cũng cho biết thêm những cá nhân "siêu lây lan" có thể chỉ đơn giản là những người không có thói quen phòng dịch tốt khi ho hoặc hắt hơi và cuối cùng làm lây nhiễm tới nhiều người.
Trong khi vẫn còn nhiều yếu tố sinh học bên trong lý giải cho các trường hợp này thì ông Ooi nhận định các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được các nhân tố trên trong tương lai gần.
"Chúng tôi vẫn chưa thể hiểu đầy đủ và tôi không nghĩ rằng khoa học có thể giải quyết việc này sớm bởi số lượng những người như vậy vẫn rất nhỏ. Khi những số lượng này rất nhỏ, các nhà khoa học sẽ không thể nói được liệu những gì họ phát hiện ra là ngẫu nhiên hay kết quả từ thực tế", chuyên gia này cho biết.
Những trường hợp siêu lây lan có khả năng xảy ra hơn nếu những người xung quanh những trường hợp này là những người dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như người già, trẻ em và những người mắc các bệnh nghiêm trọng khác.
Hsu Li Yang, một giáo sư đứng đầu chương trình bệnh truyền nhiễm tại trường Sức khỏe Cộng đồng Saw Swee Hock ở Đại học Singapore cho rằng: "Sự hiện diện của một cá nhân "siêu lây lan" là điều đáng lo ngại nhưng một điều cũng quan trọng không kém là việc hiểu rằng hiện tượng này là bình thường trong bất kỳ dịch bệnh nào".
"Nhìn chung, những người như vậy không nên bị kỳ thị bởi việc lây nhiễm cho nhiều người khác không hoàn toàn là lỗi của họ", chuyên gia Hsu LiYang nhận định.
Các biện pháp kiểm soát những trường hợp siêu lây lan
Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn các trường hợp "siêu lây lan" vẫn là đảm bảo rằng những ca nhiễm bệnh này sẽ được cách ly nhanh chóng, chuyên gia Pangetsu khẳng định.
Ông Ooi thì cho rằng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 vẫn cần phải được duy trì bất kể bệnh nhân nhiễm chủng virus này có phải là trường hợp siêu lây lan hay không.
Mọi người nên tiếp tục duy trì các biện pháp vệ sinh thật tốt bằng cách rửa tay thường xuyên và không chạm vào các bộ phận trên mặt mà virus có thể thông qua đó thâm nhập vào cơ thể như mắt, mũi và miệng; đồng thời cần tiếp tục hành động một cách có trách nhiệm với xã hội như: ở nhà nếu cảm thấy không khỏe hay xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sổ mũi, sốt hoặc ho, chuyên gia này khuyến cáo.
Chuyên gia Leong khẳng định cách tốt nhất để xác định các trường hợp "siêu lây lan" và kiểm soát dịch bệnh bùng phát là theo dõi quá trình tiếp xúc của người nhiễm chính xác nhất có thể.
"Việc theo dõi này càng chính xác bao nhiêu thì khả năng kiểm soát dịch bệnh càng tốt bấy nhiêu. Nếu có thể theo dõi tiếp xúc chính xác từ 80 - 90% thì chúng ta sẽ thành công hơn trong việc ngăn ngừa virus lây lan"./.
Theo VOV