12:01, 28/01/2020

WHO "sửa" rủi ro viêm phổi Vũ Hán toàn cầu từ 'vừa phải' đến "mức cao"

WHO hôm 27/1 thừa nhận "lỗi đánh máy" trong đánh giá nguy cơ toàn cầu của chủng virus corona, đính chính từ mức "moderate" (vừa phải) thành mức "high" (cao).

WHO hôm 27/1 thừa nhận "lỗi đánh máy" trong đánh giá nguy cơ toàn cầu của chủng virus corona, đính chính từ mức "moderate" (vừa phải) thành mức "high" (cao).
 
Theo Hãng tin AFP, cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc đóng ở Geneva thông báo trong một báo cáo xuất bản cuối ngày 26/1 rằng nguy cơ của virus corona là "rất cao" ở Trung Quốc, "cao" ở cấp khu vực, và "cao" ở cấp toàn cầu. 
 
 

 

Các bệnh viện ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh, đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: AFP
Các bệnh viện ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh, đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: AFP
 
Trong ghi chú cuối thông báo, WHO giải thích đã tuyên bố sai trong các báo trước đó vào ngày 23, 24, và 25 tháng 1 rằng nguy cơ toàn cầu của virus corona là "moderate" (vừa phải).
 
Tuy nhiên theo AFP, việc đính chính đánh giá nguy cơ của WHO không đồng nghĩa với việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
 
Fadela Chaib, nữ phát ngôn của WHO, cho biết đó là "do lỗi đánh máy".
 
Khi được hỏi cơ sở để đánh giá nguy cơ, WHO cho biết "đánh giá nguy cơ toàn cầu dựa trên mức độ nghiêm trọng, sự lây lan, và năng lực ứng phó".
 
Trước đó, hôm 23/1, WHO đã không tuyên bố viêm phổi cấp do chủng virus corona mới tạo ra (còn gọi là viêm phổi Vũ Hán) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động.
 
Việc WHO tỏ ra cẩn trọng trong việc tuyên bố virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng dễ hiểu bởi tổ chức này đã nhận nhiều chỉ trích trong quá khứ khi sử dụng thuật ngữ này cho dịch cúm gia gia cầm H1N1 năm 2009. Tại thời điểm đó, WHO bị chỉ trích vì đã gây hoang mang, khiến mọi người đổ xô mua vắc-xin chống H1N1 và sau đó phát hiện ra rằng H1N1 không nguy hiểm như đánh giá ban đầu.
 
Tuy nhiên năm 2014, WHO bị chỉ trích vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Ebola, đã càn quét các quốc gia Tây Phi, giết chết hơn 11.300 người tính đến thời điểm nó bị dập tắt vào năm 2016.
 
Theo báo South China Morning Post, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ đến Trung Quốc vào tuần này nơi ông sẽ gỡ các gặp quan chức Trung Quốc để thu thập thông tin và bàn biện pháp kiểm soát dịch.
 
"Tôi đang trên đường đến Bắc Kinh để gặp quan chức chính phủ Trung Quốc và các chuyên gia y tế đối phó với virus corona", ông Ghebreyesus viết trên Twitter hôm 26/1 và cho biết thêm ông và các đồng nghiệp ở WHO muốn hiểu thêm về những diễn biến mới nhất và tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc để kiềm chế dịch tốt hơn.
 
"Chúng tôi đang làm việc 24/7 để hỗ trợ Trung Quốc và người dân trong giai đoạn khó khăn này và giữ liên lạc chặt chẽ với các nước bị ảnh hưởng. WHO đang cập nhật thông tin cho tất cả quốc gia về tình hình và cung cấp hướng dẫn cụ thể về những việc cần làm để ứng phó", Ghebreyesus viết thêm trên Twitter.
 
Virus corona lần đầu tiên được thông báo ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 27/1, chủng virus mới này đã giết chết 81 người, theo Reuters. Trong khi đó, báo South China Morning Post dẫn số liệu chính thức từ các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết đã có hơn 2.800 ca nhiễm trên khắp thế giới./.
 
Theo VOV