Kinh tế Triều Tiên 2019 tăng trưởng 1,8% so với 2018, dự báo tiếp tục tăng trưởng vài năm tới bất chấp tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Kinh tế Triều Tiên 2019 tăng trưởng 1,8% so với 2018, dự báo tiếp tục tăng trưởng vài năm tới bất chấp tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Kinh tế tăng trưởng thuận lợi, không có bất ổn xã hội cùng với sự ủng hộ tuyệt đối của người dân cho thấy hiệu quả trong chính sách “ tự lực, tự cường”của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tạo tiền đề vững chắc cho các biện pháp đối phó với các lực lượng thù địch từ bên ngoài.
Kể từ năm 2016, Triều Tiên là một trong những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới do chương trình hạt nhân của nước này. Các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn đối với các đối tác nước ngoài, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia cũng như cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Chính vì vậy, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Thông điệp của Nhà lãnh đạo Triều Tiên được Phát thanh viên kênh truyền hình nhà nước KRT thường xuyên nhắc lại, như một lời khẳng định "tự lực tự cường" là chính sách đúng đắn nhất chống lại các biện pháp trừng phạt.
"Chúng ta phải giáng một đòn nghiêm trọng vào các thế lực thù địch đang tìm cách khuất phục Triều Tiên thông qua sức ép trừng phạt, bằng cách thúc đẩy tinh thần tự lực cao".
Ông Leif-Eric Easle, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul cho rằng, nền kinh tế Triều Tiên đang trải qua sự thay đổi cấu trúc, lựa chọn người tiêu dùng mới với sự cạnh tranh lớn hơn. Cùng với sự giúp đỡ của một số thực thể ở các quốc gia khác, Triều Tiên đang đối phó hiệu quả với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong báo cáo về triển vọng và tình hình kinh tế thế giới công bố mới đây, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, năm 2019 đánh dấu mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội đầu tiên của Triều Tiên. Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2,2% trong năm nay và 2,8% trong năm tới. Với một vị trí địa lí chiến lược, Triều Tiên cũng được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đánh giá có tiềm năng kinh tế đặc biệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Tôi đã nói với Chủ tịch Kim Jong Un rằng ông đang có cơ hội biến Triều Tiên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Với vị trí đặc biệt, nằm giữa Trung Quốc, Nga và một bên là Hàn Quốc, họ không thể kết nối với nhau nếu không qua Triều Tiên. Ngoài địa điểm tuyệt vời, người dân Triều Tiên chăm chỉ, thông minh, tràn đầy năng lượng, tôi nghĩ đây có thể trở thành một trong những nền kinh tế và tài chính lớn nhất trên thế giới”.
Ngày 5/1 vừa qua, truyền thông Triều Tiên đưa hình ảnh hàng trăm ngàn người dân tập trung ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng để ủng hộ các nhiệm vụ do Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đặt ra trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự ổn định xã hội, tạo nền tảng thuận lợi cho các chính sách của Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hàng loạt chuyến thị sát đầu năm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, từ các nhà máy ở thành phố Sunchon đến khu nghỉ mát ven biển ở Wonsan, Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong hay thị trấn mới Samjiyon... được giới phân tích đánh giá là nhằm khẳng định với dư luận trong và ngoài nước rằng Triều Tiên sẽ tăng cường năng lực kinh tế, tự lực cánh sinh đúng với kế hoạch đột phá toàn diện mà ông đã đưa ra.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định, năm 2020 là năm đầu tiên Triều Tiên đột phá toàn diện, tự lực cánh sinh để tiếp tục gặt hái những thành quả tuyệt vời, đối phó với các thế lực thù địch. Ông Kim Jong Un đã mượn hình ảnh lá cờ bay phấp phới trong gió để ám chỉ cơn gió của thế lực thù địch càng lấn tới thì ngọn cờ đỏ của Triều Tiên sẽ càng bay mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng, dù tình thế khắc nghiệt và khó khăn bao vây, “lý tưởng và hoài bão” chắc chắn sẽ trở thành hiện thực nhờ quyết tâm và nỗ lực của người dân nước này./.
Theo VOV