Hội nghị COP25 không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay.
Hội nghị COP25 không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay.
Sau 2 tuần họp, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 25 về chống biến đổi khí hậu (COP25) vừa kết thúc tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, muộn hơn gần 2 ngày so với kế hoạch. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, hội nghị chỉ nhấn mạnh “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, mà không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay.
Hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố được đánh giá là “khiêm tốn về những ý định” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhiều nước gây ô nhiễm hàng đầu đã từ chối đưa ra những cam kết tham vọng hơn.
Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt thừa nhận: “Đây là Hội nghị khí hậu dài nhất trong lịch sử và tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã đặt trái tim và nỗ lực vào việc tìm kiếm thỏa thuận với tất cả các bên. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn vì những nỗ lực thời gian qua”.
Bốn năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris, các cuộc đàm phán ở Madrid được xem là thử thách đối với ý chí của các chính phủ nhằm thông qua một hành động tập thể. Giới khoa học trước đó cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ trái đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của nhiều nước và Liên minh châu Âu thông qua những mục tiêu tham vọng hơn đã vấp phải sự phản đối của những nước gây ô nhiễm nhất, đặc biệt là Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia và Mỹ.
Vì thế hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố thừa nhận “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, khiêm tốn hơn rất nhiều so với những lời hứa cắt giảm khí nhà kính, cũng như mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm ngăn nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp.
Phái đoàn Liên minh châu Âu bày tỏ sự thất vọng: "Đã có một sự bất đồng lớn về ý tưởng và không thể đưa các bên đi tới sự đồng thuận. Tuy nhiên, những gì thảo luận tại đây sẽ hữu ích cho các giai đoạn đàm phán tiếp theo”.
Bình luận về kết quả hội nghị, bà Helen Mountford, Phó Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới cho rằng, những cuộc thảo luận này về một mặt nào đó đã cho thấy “sự thờ ơ” của các nhà lãnh đạo chính trị trước lời kêu gọi “khẩn cấp” của giới khoa học, cũng như các nhà hoạt động môi trường trong suốt những tuần qua kêu gọi thế giới hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Từ nay tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 26 về chống biến đổi khí hậu tại Glasgow, Anh vào cuối năm sau, tất cả các nước sẽ phải trình lên bản sửa đổi các cam kết của mình. Tới thời điểm hiện nay, mới có khoảng 80 trên tổng số 190 nước tham gia làm được và tất cả những này cộng lại mới chỉ chiếm 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu./.