08:11, 27/11/2019

Australia rúng động vì cáo buộc "mạng tình báo Trung Quốc" xâm nhập

Báo giới Australia phản ánh đậm đặc về cáo buộc "tình báo Trung Quốc" can thiệp vào nội bộ nước này, khiến chính giới nước này thực sự rúng động.

Báo giới Australia phản ánh đậm đặc về cáo buộc “tình báo Trung Quốc” can thiệp vào nội bộ nước này, khiến chính giới nước này thực sự rúng động.
 
Thông tin động trời
 
Các nhân viên tình báo Australia đang điều tra các cáo buộc rúng động cho rằng một nhóm điệp viên Trung Quốc đang cố gắng cài cắm một gián điệp vào quốc hội liên bang của Australia ở Canberrra và đây là một chiến lược dài hạn nhằm vào việc gây tác động lên các chính sách của chính quyền Australia.
 

 

Cờ Trung Quốc và cờ Australia. Ảnh: Facebook.
Cờ Trung Quốc và cờ Australia. Ảnh: Facebook.
 
 
Vào ngày 25/11/2019, mạng truyền hình Australia “Nine Network” phát sóng các cáo buộc động trời về nghi án các điệp viện Trung Quốc đã đề nghị cấp 1 triệu đô la Australia (tương đương 680.000 USD) cho nhà buôn ô tô hạng sang Bo “Nick” Zhao ở Melbourne để người này ra ứng cử cho một ghế trong quốc hội ứng với khu vực Melbourne.
 
Bo “Nick” Zhao, người đàn ông được chuẩn bị cho việc cài cắm nói trên, đã tiết lộ ý đồ trên với cơ quan phản gián Australia ASIO (viết tắt của cụm tiếng Anh có nghĩa là ‘Tổ chức Tình báo An ninh Australia”).
 
Và người đàn ông 32 tuổi này đã chết tại một buồng khách sạn ở Melbourne hồi tháng 3/2019 sau khi được cho là đã tiếp cận ASIO. Cảnh sát hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của nhà buôn ô tô này.
 
Nhân vật Zhao kể trên đã nói với ASIO rằng anh ta được đề nghị nhận 1 triệu AUD (tương đương 680.000 USD) tài trợ cho một chiến dịch trong cuộc bầu cử liên bang Australia năm 2018 ở Melbourne, nơi có đông người Hoa sinh sống. Zhao khi ấy sẽ chuẩn bị ra tranh cử với tư cách là ứng viên đảng Tự do – đảng này trước đây và bây giờ là một phần thuộc chính phủ liên hiệp.
 
Phản ứng của giới chức Australia
 
Thủ tướng Australia Scott Morrison mô tả thông tin về ổ nhóm điệp viên này là “gây bất an lớn” và ông cho biết, Canberra sẽ xem xét khả năng siết chặt các bộ luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài nếu cần thiết.
 
Chính quyền của Thủ tướng Morrison được cho là đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh ngay sau khi xuất hiện các cáo buộc trên.
 
Nếu các tiết lộ này mà đúng thì chúng sẽ đe dọa hơn nữa các mối quan hệ vốn đã mong manh giữa Australia và Trung Quốc, đồng thời khiến cho các hoạt động thương mại và chính trị của cộng đồng dân tộc Hoa thiểu số tại đây bị giám sát chặt chẽ hơn.
 
Chủ tịch Ủy ban tình báo và an ninh của Quốc hội Australia, Andrew Hastie, cho rằng vấn đề này rất nghiêm trọng và đây là “một nỗ lực do nước ngoài tài trợ nhằm xâm nhập Quốc hội của chúng ta, sử dụng một công dân của Australia”.
 
Đầu tháng 11 này, Hastie cho biết ông và một nghị sĩ nữa thuộc đảng Tự do đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc trong một chuyến khảo sát, do họ trước đó đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
 
Tổng Giám đốc cơ quan phản gián ASIO Mike Burgess tuyên bố vào cuối ngày 24/11/2019 rằng ASIO sẽ tiếp tục đứng ở tuyến đầu đối chọi với các can thiệp và hoạt động gián điệp của nước ngoài ở Australia. Hôm 25/11 ông Burgess xác nhận rằng cơ quan của mình rất chú ý các cáo buộc này và đang điều tra về chúng. Ông nói, “hoạt động tình báo nước ngoài thù địch tiếp tục tạo ra một mối đe dọa thực sự đối với đất nước chúng ta và an ninh tổ quốc”. Ông từ chối bình luận về các cá nhân bị cáo buộc có liên quan.
 
Ai đã tác động vào Zhao?
 
Zhao cho biết, anh ta đã nhận được sự vận động hành lang từ Brian Chen Chunsheng, một doanh nhân Melbourne bị các cơ quan an ninh phương Tây nghi là có mối liên hệ với tình báo Trung Quốc. Về phần mình, Chen đã phủ nhận cáo buộc này và nói mình chưa bao giờ gặp Zhao.
 
Người ta tin rằng Zhao bị nước ngoài nhắm tới là vì anh ta gặp một số khó khăn tài chính sau khi bị buộc tội vào năm 2017 là lừa đảo lấy tiền mua ô tô. Theo tin tức của báo chí Australia, hoạt động mua bán của Zhao đổ bể vào năm 2018 và anh ta đã rơi vào tình trạng nợ tiền các nhà đầu tư Trung Quốc “ngầm”.
 
Andrew Hastie – Chủ tịch Ủy ban tình báo và an ninh của quốc hội Australia, cho rằng Zhao là một đối tượng hoàn hảo cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Năm ngoái (2018), Hastie đã được thông báo về vụ việc này.
 
Trong khi đó, doanh nhân Chen xác nhận ông ta đã bị các quan chức an ninh thẩm vấn tại sân bay Melbourne vào hồi tháng 3/2019 với những cáo buộc ông ta là một nhân viên tình báo cấp cao của Trung Quốc. Chen từng được chụp ảnh đang mặc quân phục của Quân giải phóng Trung Quốc và cũng thừa nhận tạo dáng với tư cách là nhà báo tại các hội nghị ngoại giao quốc tế.
 
Doanh nghiệp của Chen - “Prospect Time International Investments”, thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ông này quản lý một số hãng có liên lạc với các tổ chức quân sự và an ninh của Trung Quốc.
 
Năm 2018, Chen bận rộn thúc đẩy các dự án hạ tầng cơ sở ở Philippines trong bối cảnh Trung Quốc đầu tư mạnh vào quốc gia Đông Nam Á này.
 
Australia đã nỗ lực thắt chặt luật liên quan đến người nước ngoài nhằm ngăn chặn sự can thiệp vào hệ thống chính trị của mình nhưng tin tức về các vụ can thiệp vẫn liên tiếp xuất hiện. Trong một vụ gần đây, các tin tặc nước ngoài đã đột nhập được vào hệ thống mạng của quốc hội Australia.
 
Cựu Tổng Giám đốc cơ quan phản gián Australia, Duncan Lewis, vào tuần trước đã tố Bắc Kinh cố gắng chi phối hệ thống chính trị của Australia thông qua hoạt động gián điệp và tìm kiếm một vị trí có lợi thế trong các giới xã hội, doanh nghiệp và truyền thông ở Australia.
 
Trong một bài tiểu luận, ông Lewis viết như sau: “Gián điệp và can thiệp của nước ngoài rất thâm hiểm. Các tác động của nó rất âm thầm, phải mất hàng thập kỷ mới cảm nhận được, và khi đó thì đã quá trễ”.
 
Những cảnh báo tương tự cũng được đưa ra vào cuối tuần qua sau khi nhân vật Vương Lập Cường (27 tuổi) đã chạy trốn sang Australia, ở cùng vợ và con tại Sydney sau khi thông báo cho ASIO về cái gọi là nỗ lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng lên các hệ thống chính trị.
 
Tin tức từ truyền thông Australia cho thấy “điệp viên tự thú” Vương đã cung cấp cho phản gián ASIO vô số thông tin cụ thể về cách thức tình báo Trung Quốc cử người xâm nhập phong trào biểu tình ở Hong Kong, hoạt động bầu cử ở Đài Loan và các hoạt động chính trị ở Australia. Vương thậm chí còn tiết lộ danh tính của các sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Trung Quốc hoạt động ở Hong Kong.
 
Trong các tiết lộ của Vương có cả những chi tiết “khủng” không tiện nêu ở đây.
 
Nếu các thông tin mà Vương Lập Cường cung cấp là đúng thì anh ta sẽ là đặc vụ Trung Quốc đầu tiên tự gỡ bỏ vỏ bọc của mình.
 
Cả Hastie (Chủ tịch Ủy ban tình báo và an ninh của quốc hội Australia) và các nghị sĩ đảng Tự do đã hối thúc chính quyền Australia trao quyền tị nạn chính trị cho Vương, người đã tuyên bố là đang sống trong nỗi sợ hãi bị trả thù. Nhưng đến ngày 25/11 vẫn chưa có quyết định nào từ phía Australia về vấn đề này.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Morrison nói như sau về vụ “điệp viên” Vương (người đang tạm sống ở Sydney cùng vợ con bằng visa du lịch): “Anh ấy đang ở Australia. Và tại Australia chúng ta có chế độ pháp quyền. Do vậy, bất cứ ai sống ở đất nước chúng ta đều được hưởng sự bảo hộ tương tự, dù là bằng visa hay hình thức khác”.
 
Chính quyền Australia đã và đang nỗ lực vô hiệu hóa các ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài và tất cả các can thiệp mật từ nước ngoài vào nền chính trị trong nước. Nước Australia giàu tài nguyên dựa vào thị trường Trung Quốc để đảm bảo một phần ba thu nhập từ xuất khẩu của mình.
 
Trước các tuyên bố từ phía Australia, Trung Quốc tỏ ra không vừa.
 
Vào hôm 24/11/2019, Bắc Kinh tuyên bố Vương Lập Cường phạm tội lừa đảo và bị cảnh sát Thượng Hải truy nã sau khi anh này chạy trốn bằng một tấm hộ chiếu giả. Trung Quốc thông báo rằng Vương dính vào một dự án đầu tư ma trị giá 960.000 USD liên quan đến việc nhập ô tô.
 
Còn vào hôm 25/11 trong một cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng một số chính trị gia và hãng truyền thông Australia đã “đạt tới một trạng thái cuồng loạn và cực kỳ căng thẳng”. Ông Cảnh Sảng nói mỉa rằng các quan chức và các nhà báo Australia nên có thái độ lành mạnh đối với Trung Quốc, vừa vì lợi ích quan hệ song phương vừa vì “sức khỏe tâm thần và thể xác của họ”./.
 
Theo VOV