08:08, 18/08/2018

Phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc, Mỹ kiên quyết duy trì hiện diện ở Biển Đông

Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông bất chấp những cảnh báo cứng rắn của Trung Quốc.

Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông bất chấp những cảnh báo cứng rắn của Trung Quốc.
 
Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17/8 cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông bất chấp cảnh báo gần đây do Trung Quốc ban hành đối với tàu thuyền và máy bay nước ngoài hoạt động qua lại trên vùng biển này.
 

 

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương Randall Schriver. Ảnh: Rappler.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương Randall Schriver. Ảnh: Rappler.
 
Ngăn Trung Quốc viết lại quy tắc trên Biển Đông
 
Trả lời phỏng vấn bàn tròn với các phóng viên tại thủ đô Manila (Philippines), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương Randall Schriver nêu rõ, những lời đe dọa từ phía Trung Quốc sẽ không ngăn cản Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực:
 
“Chúng tôi sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.... Chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng các thách thức từ phía Trung Quốc không chỉ với Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác. Hoạt động của chúng tôi là hợp pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần nhất quán và người Trung Quốc cần phải hiểu rằng thách thức kiểu đó sẽ không làm chúng tôi thay đổi hành vi”.
 
Ông Randall Schriver cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ không cho phép họ [Trung Quốc] viết lại quy tắc trên Biển Đông hoặc thay đổi luật pháp quốc tế”.
 
Vị quan chức này khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông và hoạt động duy trì tự do hàng hải (FONOPs) là một phần của cách tiếp cận chung đối với vấn đề Biển Đông.
 
“Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự kiểm soát của họ thông qua các thách thức, thì điều đó không ảnh hưởng đến cách thức chúng tôi hoạt động”.
 
Cũng theo ông Schriver, Mỹ đang xem xét năng lực phát triển của các đồng minh trong khu vực và nhờ sự trợ giúp của các đồng minh, tuy nhiên, mức độ hỗ trợ sẽ khác nhau tùy vào năng lực của mỗi nước. Chẳng hạn đối với Philippines, đồng minh lâu đời nhất ở châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập chung như cuộc tập trận thường niên Balikatan nhằm tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa các lực lượng vũ trang hai nước. 
 
Mỹ đoàn kết với Philippines trong vấn đề Biển Đông
 
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver khẳng định, Mỹ sẽ là một đồng minh tốt của Philippines trong đối phó với các tranh chấp trên Biển Đông. Động thái trấn an của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Philippines lo ngại về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với không phận phía trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng một cách phi pháp và vùng biển xung quanh ở Biển Đông.
 
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ- quốc gia đã ký kết Hiệp ước Quốc phòng với Philippines có ra tay giúp đồng minh trong trường hợp Trung Quốc chiếm đảo trên Biển Đông hay không, ông Randall Schriver tuyên bố: “Chúng tôi sẽ là đồng minh tốt. Sẽ không có sự hiểu nhầm hoặc sự thiếu rõ ràng về tinh thần và cam kết của chúng tôi. Chúng tôi sẽ giúp Philippines đối phó một cách phù hợp”.
 
Cũng trong ngày hôm qua (16/8), ông Randall Schriver đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, thảo luận nhiều vấn đề quân sự và quốc phòng mà cả hai bên cùng quan tâm. Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của ông Randall Schriver trên cương vị Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
 
Ông cho biết hai bên đã bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố, an ninh ở Biển Đông cũng như nỗ lực hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Philippines và cách thức Mỹ hỗ trợ lực lượng này. Chuyến thăm là cơ hội tốt để ông tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Philippines cũng như khẳng định mong muốn của Mỹ trở thành  một đối tác quan trọng của Philippines.
 
Trước đó hôm 13/8, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Carlito Galvez Jr cho biết, việc Trung Quốc đe dọa các quốc gia khác trên Biển Đông đã thành chuyện “cơm bữa”.
 
"Các phi công của chúng tôi chỉ đơn giản trả lời họ [Trung Quốc] rằng, chúng tôi đang thực hiện chuyến bay thường lệ của mình".
 
Phối hợp với Đông Nam Á
 
Biển Đông được coi là một vấn đề nóng trong khu vực. Trong khi các bên liên quan nhất trí kiềm chế mọi hành động gây leo thang căng thẳng và gây phức tạp vấn đề thì Trung Quốc lại ngang nhiên mở rộng và quân sự hóa các đảo nước này chiếm đóng.
 
Hiện tại, Mỹ đang thảo luận với các đối tác Đông Nam Á về chương trình hỗ trợ, như một phần của Sáng kiến Tự do Hàng hải và gói viện trợ tài chính quân sự (FMF) trị giá hơn 290 triệu USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Singapore hôm 4/8. 
 
Gói viện trợ FMF nhằm mục đích đảm bảo an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) cũng như tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình. Ông Randall Schriver cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ các đối tác theo từng trường hợp cụ thể và xem xét các yêu cầu của họ, song tôi nghĩ có một vấn đề chung là các bên đều muốn đảm bảo an ninh tại Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Cần phải tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia phát triển chương trình Tăng cường nhận thức các vấn đề hàng hải (MDM) cũng như cải thiện an ninh hàng hải”.
 
Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong danh sách các nước ưu tiên trong Sáng kiến Tự do Hàng hải. Thế mạnh của chương trình này ở chỗ nó không chỉ giúp các quốc gia nâng cao nhận thức hàng hải mà giúp họ còn chia sẻ thông tin với các nước láng giềng trong khu vực.
 
Ông Randall Schriver tuyên bố, để đáp trả các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động duy trì tự do hàng hải, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác có chung quan điểm tham gia hoạt động này. Dù không nêu đích danh nhưng ông cho biết có “những quốc gia ngại thách thức khi đi vào khu vực 12 hải lý, nhưng sẵn sàng hiện diện hoạt động trên Biển Đông”.
 
 “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi hoạt động duy trì tự do hàng hải bất chấp việc có nhiều cáo buộc cho rằng hành động của chúng tôi là bất hợp pháp và không căn cứ vào luật lệ quốc tế. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không công bố chi tiết về kế hoạch tương lai”. Đáng chú ý, Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động phi quân sự thông qua Bộ Ngoại giao của nước này, trong đó cung cấp sự trợ giúp cho một số bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và tiến hành đàm phán để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình./.
 
Theo VOV