09:08, 20/08/2018

Hy Lạp kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ

Hy Lạp chính thức hoàn tất gói cứu trợ tài chính thứ 3 và lần đầu tiên kể từ năm 2010 thoát khỏi cảnh bị đặt dưới sự giám sát tài chính của các chủ nợ.

Hy Lạp chính thức hoàn tất gói cứu trợ tài chính thứ 3 và lần đầu tiên kể từ năm 2010 thoát khỏi cảnh bị đặt dưới sự giám sát tài chính của các chủ nợ.

Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hy Lạp chính thức thoát khỏi tình cảnh bị đặt dưới sự kiểm soát tài chính từ các chủ nợ, sau khi nước này hoàn tất gói cứu trợ thứ 3.

Đây cũng chính là gói cứu trợ cuối cùng mà chính phủ Hy Lạp nhận từ các chủ nợ. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận tổng cộng 260 tỷ euro cứu trợ từ các chủ nợ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

 

Hy Lạp đã kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ. Ảnh: Greek Reporter
Hy Lạp đã kết thúc 8 năm bị giám sát tài chính từ chủ nợ. Ảnh: Greek Reporter

 

Để đổi lấy các gói cứu trợ, các đời chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng vô cùng khắc khổ, đồng thời thực hiện những cải cách khắc nghiệt trong các lĩnh vực lao động, hưu trí và an sinh xã hội.

Ngoài ra, nước này cũng bị đặt dưới sự giám sát tài chính chặt chẽ từ các chủ nợ như Liên minh châu Âu hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong 8 năm bị giám sát, Hy Lạp không được phép tham gia vào các thị trường trái phiếu và nhiều chính sách kinh tế phải chịu sự can thiệp từ các chủ nợ.

Hiện tại, tuy đã chính thức thoát khỏi tình cảnh bị giám sát tài chính nhưng Hy Lạp sẽ vẫn phải cam kết thực thi các chính sách tài khoá nghiêm ngặt. Nước này cam kết sẽ bảo đảm mức thặng dư ngân sách sơ cấp ở mức 3,5% GDP từ nay đến năm 2022 và ở mức 2,2% GDP đến năm 2060. Nhằm trợ giúp Hy Lạp, hồi tháng 6/2018, các chủ nợ cũng đã ký thoả thuận nhằm giãn nợ cho Hy Lạp.

Tại châu Âu, Hy Lạp cũng là nền kinh tế cuối cùng ra khỏi cảnh bị giám sát tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ công, sau Ireland năm 2013, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 2014 và đảo Síp năm 2016./.

Theo VOV