Sau khi gây bão chính trị vì cách thức và thời điểm sa thải Giám đốc FBI James Comey, ông Trump sẽ phải hết sức thận trọng chọn người thay thế.
Sau khi gây bão chính trị vì cách thức và thời điểm sa thải Giám đốc FBI James Comey, ông Trump sẽ phải hết sức thận trọng chọn người thay thế.
Ngay sau thông báo cách chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, Nhà Trắng đã thông báo tiến trình lựa chọn người thay thế đã bắt đầu dù không đưa ra thời hạn chót để công bố tên người được đề cử.
Để khôi phục lòng tin đang xói mòn đối với chính quyền của mình, Tổng thống Trump cần phải tìm một ứng viên thực sự xuất sắc để kế nhiệm ông Comey, đó phải là một người có tư cách đạo đức cao nhất và có uy tín pháp lý hoàn hảo. Và hơn hết, người được đề cử nên kiên định với lập trường phi đảng phái, được tôn trọng bởi cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, không bị lôi kéo về bên nào và phải theo đuổi công lý một cách quyết liệt.
Đó cũng phải là người có kinh nghiệm ứng phó với “vùng lầy quan liêu” ở Washington. Và cuối cùng, ứng viên thay thế ông Comey phải không có mối liên hệ cá nhân hay kinh doanh với Tổng thống Trump trước, trong và sau chiến dịch tranh cử của ông.
Đây đều là những điều hiển nhiên. Nhưng khi lướt qua danh sách những cái tên mà giới chức ở Washington đang xì xào rằng có thể thay thế ông Comey thì dường như Tổng thống Trump không rút ra được bài học nào trong bối cảnh tỷ lệ của ông tiếp tục lao dốc. (Báo chí Mỹ ngày 10/5 đưa tin tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện ở mức thấp gần kỷ lục là 36%).
Phần lớn những người có tiềm năng được đề cử thay thế ông Comey dưới đây đều khó có thể khôi phục tinh thần chán nản, thất vọng và nỗi bàng hoàng của các nhân viên FBI cũng như lòng tin của người dân đối với Nhà Trắng của ông Trump.
1. Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe
Lựa chọn dễ dàng nhất là Phó Giám đốc, nay là quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, người được chính ông Comey chỉ định năm 2016 sau khi ông Mark Giuliano nghỉ hưu. Gắn bó với FBI 21 năm, ông McCabe có kinh nghiệm toàn diện về chống khủng bố và điều tra các phần tử cực đoan.
Nhưng ông cũng bị dò xét vì vụ điều tra bê bối thư tín của bà Hillary Clinton. Tính công minh của ông bị đặt nghi vấn khi không thể cứu bản thân khỏi cuộc điều tra dù vợ ông, bà Jill có liên hệ mật thiết với Đảng Dân chủ. Bà từng nhận hơn 675.000 USD tài trợ khi chạy đua ghế Thượng Nghị sỹ bang Virginia năm 2015.
FBI khi đó đã ra thông cáo khẳng định ông không có vai trò nào trong việc quyên góp tài trợ hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào khác nhưng trong chiến dịch vận động tranh cử ở Florida năm ngoái, chính ông Trump chỉ trích ông McCabe, người đang điều tra bà Clinton, lại nhận 675.000 USD từ bà thông qua vợ mình.
2. Cựu cố vấn an ninh nội địa Ken Wainstein
Ông cũng là cựu nhân viên FBI, chánh văn phòng cho Giám đốc Robert Mueller, người tiền nhiệm của ông Comey, và cũng từng là cái tên hàng đầu được xem xét vào vị trí này.
Trước đó, ông là trợ lý thứ nhất của Tổng Chưởng lý Mỹ về an ninh quốc gia và cố vấn an ninh nội địa cho cựu Tổng thống George W. Bush. Mới tuần trước, ông còn đưa ra lời khuyên cho Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper tại một cuộc họp của tiểu ban ở Thượng viện Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, ông Wainstein cũng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Tổng thống Trump. Năm ngoái, ông từng ký vào một bức thư ngỏ, trong đó phản đối đảng Cộng hòa đề cử ông Trump làm ứng viên Tổng thống của đảng này.
3. Cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani
Đây là một trong những cái tên được bán tán nhiều nhất ở Washington lúc này vì ông xuất hiện bên ngoài khách sạn Trump ở Washington ngay sau khi ông Comey bị sa thải. Ông cũng chia sẻ với phóng viên rằng ông Trump đã “đúng khi sa thải Comey”.
Từng là thành viên đảng Dân chủ nhưng chuyển sang đảng Cộng hòa từ những năm 1980s, ông Giuliani được coi như là một phát ngôn viên của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016.
Được lòng Tổng thống Trump nhưng rõ ràng ông không đáp ứng tiêu chí không thiên vị của một Giám đốc FBI.
4. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie
Cũng như cựu Thị trưởng New York, ông Chris Christie vốn đối đầu với cựu Tổng thống Barack Obama nên trở thành đồng minh của ông Trump, sau này là giám đốc nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump.
Nhưng vấn đề về tính công minh, ông Chris Christie có thể không đủ tư làm Giám đốc FBI chỉ đơn giản vì dính líu đến một vụ bê bối chính trị hiện nay.
Dù ông chối bỏ liên quan song 2 thân tín của ông đã bị kết tội dính líu đến việc đóng cửa các làn đường trên cầu George Washington để trừng phạt Thị trưởng Fort Lee của New Jersey vì đã không ủng hộ ông Christie tái cử.
Hơn thế nữa, ông Christie cũng là thống đốc bang hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất cả nước và rõ ràng việc bổ nhiệm một người như thế làm Giám đốc FBI sẽ chẳng giúp ông Trump cải thiện tỷ lệ ủng hộ cho chính mình.
5. Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers
Là cựu nhân viên FBI và cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Mike Rogers từng nằm trong nhóm ứng viên hàng đầu cho chức Giám đốc FBI trước khi ông Comey được bổ nhiệm năm 2013.
Ông Rogers có kinh nghiệm về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng và tội phạm công nghệ cao, đồng thời là gương mặt quen thuộc với công chúng khi xuất hiện trong loạt phóng sự của kênh CNN năm ngoái có tiêu đề “Giải đáp bí mật: Những câu chuyện chưa kể của các điệp viên Mỹ” (Declassified: Untold Stories of American Spies).
6. Cựu cảnh sát trưởng thành phố New York Raymond W. Kelly
Khi nhận điện thoại của phóng viên ngày 10/5, ông Kelly từ chối tiết lộ liệu ông đã được Nhà Trắng liên hệ hay chưa và liệu ông có chấp nhận kế nhiệm ông James Comey ở FBI hay không. Tuy nhiên, ông được cho là đáp ứng khá đầy đủ về mặt tư cách và kinh nghiệm.
Trước khi trở thành Phó Chủ tịch của một công ty bảo an tên K2 Intelligence có trụ sở tại New York, ông Kelly là cảnh sát trưởng tại vị lâu nhất ở New York, người duy nhất nắm giữ cương vị này 13 năm trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.
Dưới sự quản lý của ông, tội phạm bạo lực ở New York giảm đáng kể và những nỗ lực tiên phong chống khủng bố của sở cảnh sát New York (NYPD) được xem là hình mẫu cho cả nước.
Ông Kelly cũng có nhiều kinh nghiệm khác như Trưởng phái đoàn Liên Hợp Quốc đến Haiti, Phó Chủ tịch Interpol và là Thứ trưởng Bộ Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.
Ông Kelly nhiều khả năng sẽ được cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Ông từng được xem xét bổ nhiệm làm giám đốc FBI năm 1993 và 2011. Thượng nghị sỹ bang New York Chuck Schumer ủng hộ ông vào vị trí này và 2 năm sau lại ủng hộ ông được đề cử làm Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Uy tín đó có thể kéo lại chút lòng tin cho chính quyền đang đầy xáo trộn của Tổng thống Donald Trump. Đề cử ông Kelly cũng sẽ được xem là động thái chứng minh ông Trump thực sự để cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 được tiến hành một cách vô tư, minh bạch.
Trang The Hill dẫn lời chuyên gia Judith Miller thuộc Viện nghiên cứu Manhattan nhận định, bất cứ ai biết rõ Kelly cũng hiểu rằng ông ấy sẽ không bao giờ chịu khép lại hay trì hoãn cuộc điều tra này vì mục đính chính trị thiên vị cho bất cứ đảng nào.
Nhưng đó cũng có thể là trở ngại cho ông Kelly nếu Tổng thống Trump và các trợ lý của ông thực sự sợ hãi việc chỉ định một người được đánh giá là không thể mua chuộc được và có quan điểm lập trường cực kỳ độc lập.
Còn một số cái tên khác cũng đang được giới chức ở Washington rỉ tai nhau. Thông thường các Tổng thống Mỹ hay chọn các viên chưởng lý hoặc thẩm phán vào vị trí Giám đốc FBI.
Tuy nhiên, khó có thể dự đoán trong trường hợp này nếu xét cách thức phi truyền thống của ông Trump khi lấp các vị trí trong chính quyền mới. Đó có thể là một nhân vật ít được biết đến hoặc hoàn toàn nằm ngoài lực lượng thực thi pháp luật Mỹ./.
Theo VOV