12:05, 18/05/2017

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên tử vong do các bệnh có thể tránh được

Theo báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác công bố ngày 16/5, hơn 3.000 thanh thiếu niên tử vong mỗi ngày, tương ứng với con số 1,2 triệu em tử vong mỗi năm, do phần lớn các nguyên nhân có thể tránh được.
 

Theo báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác công bố ngày 16/5, hơn 3.000 thanh thiếu niên tử vong mỗi ngày, tương ứng với con số 1,2 triệu em tử vong mỗi năm, do phần lớn các nguyên nhân có thể tránh được.
 
Báo cáo chỉ rõ: Vào năm 2015, hơn 2/3 số ca tử vong xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi và Đông Nam Á. Trong đó, tai nạn đường bộ, nhiễm trùng đường hô hấp dưới và tự tử là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở thanh thiếu niên.
 
Theo WHO, chúng ta có thể ngăn chặn được hầu hết trường hợp tử vong với các hệ thống y tế, giáo dục và hỗ trợ xã hội tốt. Song trong nhiều trường hợp, những thanh thiếu niên bị rối loạn sức khỏe tâm thần, sử dụng ma túy hoặc có vấn đề về dinh dưỡng lại không thể nhận được các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc thiết yếu, hoặc bởi vì không có những dịch vụ này hoặc vì các em không biết tới.
 
Bên cạnh đó, nhiều hành vi có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như ít vận động, ăn uống kém hoặc hành vi tình dục nguy hiểm, đều bắt đầu từ thời niên thiếu.
 
Theo ông Flavia Bustreo, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, suốt nhiều thập kỷ qua, thanh thiếu niên đã hoàn toàn vắng bóng trong các chương trình y tế quốc gia. Các khoản đầu tư tập trung vào thanh thiếu niên tương đối nhỏ. Tuy nhiên, đầu tư cho thanh thiếu niên sẽ góp phần tạo nên những người trưởng thành khỏe mạnh và tự chủ, từ đó đóng góp tích cực cho các cộng đồng, cũng như có được những thế hệ tương lai có sức khỏe tốt hơn, với những lợi ích khổng lồ.
 
Thêm vào đó, các dữ liệu của báo cáo còn cho thấy sự khác biệt mạnh mẽ trong những nguyên nhân dẫn tới tử vong theo độ tuổi thanh thiếu niên (các em từ 10 – 14 tuổi và các em từ 15 – 19 tuổi) và theo giới tính. Báo cáo cũng đề cập tới một loạt các biện pháp can thiệp, từ pháp luật quy định về việc thắt dây an toàn cho tới giáo dục giới tính toàn diện, mà các nước có thể thực hiện để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho trẻ vị thành niên, cũng như giảm thiểu đáng kể số trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được.
 
Theo WHO, năm 2015, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở thanh thiếu niên từ 10 – 19 tuổi, với khoảng 115.000 trường hợp tử vong. Hầu hết những người trẻ tuổi tử vong do tai nạn giao thông là những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như: người đi bộ, người đi xe đạp hoặc xe máy. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi, một số bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm màng não và các bệnh tiêu chảy lại gây ra số lượng ca tử vong ở thanh thiếu niên nhiều hơn tai nạn giao thông.
 
Tình hình cũng rất khác biệt đối với các bé gái. Trong số trẻ vị thành niên tuổi từ 10 – 14, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi thường do ô nhiễm không khí trong nhà bằng các loại nhiên liệu sử dụng cho nấu ăn, lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các biến chứng khi mang thai như xuất huyết, nhiễm trùng máu, đẻ khó và các biến chứng của phá thai không an toàn, dẫn đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong cho các cô gái tuổi từ 15 – 19.
 
Ngoài ra, tự tử và tử vong do tai nạn bắt nguồn từ những hành vi tự gây hấn là nguyên nhân thứ ba gây tử vong vào năm 2015, với 67.000 trường hợp tử vong ước tính. Tự gây hấn xảy ra chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên lớn tuổi và trên phạm vi toàn thế giới, nó là nguyên nhân thứ hai dẫn tới tử vong ở thanh thiếu niên trong nhóm tuổi này. Đây là nguyên nhân hàng đầu hoặc thứ hai dẫn tới tử vong ở trẻ vị thành niên tại châu Âu và Đông Nam Á.
 
Trong các tình huống khủng hoảng, sức khỏe của trẻ vị thành niên lại càng giữ vai trò quan trọng khi các em thường phải đảm nhận trách nhiệm của người lớn, trong đó có chăm sóc cho anh chị em hoặc phải làm việc kiếm sống, và có thể bị buộc phải rời ghế nhà trường để lập gia đình hoặc buộc phải quan hệ tình dục. Kết quả là các em bị suy dinh dưỡng, chấn thương, có thai ngoài ý muốn, các bệnh tiêu chảy, bạo lực tình dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
 
Trong bối cảnh đó, ông Anthony Costello, Giám đốc Văn phòng Sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ vị thành niên nhấn mạnh cải thiện hệ thống y tế cho thanh thiếu niên chỉ là một yếu tố đối góp phần cải thiện sức khỏe của nhóm đối tượng này, còn chính cha mẹ, gia đình và cộng đồng mới đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vì họ là các nhân tố tốt nhất có thể ảnh hưởng tích cực tới hành vi và sức khỏe của trẻ vị thành niên.
 
Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các biện pháp can thiệp liên ngành, trong đó có giáo dục giới tính toàn diện trong nhà trường; giới hạn tuổi sử dụng rượu bia cao hơn; quy định nghĩa vụ pháp lý phải thắt dây an toàn và đội mũ bảo hiểm; giảm tiếp cận với vũ khí và lạm dụng vũ khí; giảm ô nhiễm không khí trong nhà nhờ sử dụng nhiên liệu sạch để nấu ăn; và tăng cường tiếp cận với nước, vệ sinh môi trường./.
 
Theo ĐCSVN