Nước biển dâng do tình trạng ấm lên của Trái đất sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt ở các vùng duyên hải, đặc biệt là tại các khu vực nhiệt đới, vào giữa thế kỷ này.
Nước biển dâng do tình trạng ấm lên của Trái đất sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt ở các vùng duyên hải, đặc biệt là tại các khu vực nhiệt đới, vào giữa thế kỷ này.
Theo các nhà nghiên cứu của Mỹ, nếu nước biển tăng thêm 25 cm vào năm 2050, tần suất lũ lụt 50 năm một lần ở các khu vực nhiệt đới sẽ xảy ra hằng năm hoặc thậm chí mau hơn. Trong khi đó, nếu nước biển toàn cầu chỉ dâng ở mức vừa phải là từ 10-20 cm, nguy cơ lũ lụt tại các khu vực có khí hậu ấm áp sẽ tăng gấp đôi.
Các thành phố lớn dọc bờ biển khu vực Bắc Mỹ, trong đó có Vancouver (Canada), Seattle, San Francisco và Los Angeles (Mỹ) cùng với bờ biển Đại Tây Dương ở châu Âu có nguy cơ lũ lụt cao.
Theo ông Sean Vitousek, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, việc tăng tần suất lũ lụt do biến đổi khí hậu sẽ thách thức sự tồn tại và bền vững của các đảo quốc nhỏ vốn dễ phải hứng chịu lũ lụt trên khắp toàn cầu.
Lũ lụt xảy ra ở các khu vực duyên hải chủ yếu là do các cơn bão lớn và mức độ tàn phá của nó sẽ nặng nề hơn khi các đợt sóng lớn, gió bão và thủy triều lên cao kết hợp với nhau. Một trong những yếu tố gây ra mức thiệt hại lớn là do nước biển nóng lên và băng tan chảy.
Mực nước biển hiện nay tăng từ 3-4 mm mỗi năm song tốc độ lại cao hơn khoảng 30% so với thập kỷ trước. Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5 m vào năm 2100.
Theo chinhphu.vn