11:10, 28/10/2019

Góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn

Những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng được hoàn thiện, các tuyến đường liên thôn, liên xã được cứng hóa…, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.

 

Những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng được hoàn thiện, các tuyến đường liên thôn, liên xã được cứng hóa…, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.


Chất lượng đường được cải thiện


Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 2.570km đường GTNT do xã quản lý. Đến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô vào tận trung tâm xã, chất lượng đường được cải thiện nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa).

Tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa).


Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, những năm qua, địa phương luôn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hoàn thiện mạng lưới GTNT, tạo điều kiện cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến nay, 100% xã có đường vào trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 70% đường trục liên thôn được cứng hóa, ô tô có thể đi lại; 70% đường ngõ, xóm được cứng hóa và 70% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Đến nay, toàn huyện có 9/11 xã đạt các tiêu chí về giao thông. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương cần huy động khoảng 60 tỷ đồng từ các nguồn để hoàn thiện mạng lưới GTNT trên địa bàn.


Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho hay, những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống GTNT đã được các địa phương tích cực hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tuyến đường, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Mỗi năm, hệ thống cầu, đường GTNT, miền núi trên địa bàn tỉnh đều có bước phát triển. Nhiều công trình đường liên thôn, liên xóm, ngoài ngân sách nhà nước còn có khoản kinh phí đóng góp của nhân dân; nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, tháo dỡ lều quán, hàng rào, chặt cây ăn trái mà không đòi hỏi bồi thường.


“Có thể khẳng định, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, khang trang. Việc thông thương tại địa phương cũng như giữa các vùng miền, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi về miền xuôi đã được rút ngắn, ngày càng liên hoàn, thông suốt, an toàn với chi phí vận tải hợp lý. Đối với các xã miền núi, việc khắc phục tắc nghẽn giao thông trong mùa mưa lũ cũng đã được giải quyết bằng cầu treo kiên cố, bán kiên cố. Tính đến cuối năm 2018, đã có 60/94 xã đạt tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Chu Văn An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết.


Thiếu kinh phí bảo dưỡng


Thay đổi về GTNT những năm gần đây là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng không khó để nhận ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.


Theo đó, hệ thống đường GTNT tuy đã được UBND tỉnh phân cấp, nhưng những năm qua, ngân sách cấp huyện phân bổ cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hầu như không có, chủ yếu bố trí khắc phục bão lụt và sửa chữa trong các dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, việc bố trí kinh phí bảo dưỡng đường chưa được đảm bảo, nhiều tuyến đường bị hư hỏng chưa được khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, do kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương thường xuyên lồng ghép việc bảo dưỡng đường với kiên cố hóa GTNT.


Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, công tác quản lý mạng lưới GTNT chưa phù hợp với quy mô và nhu cầu khai thác sử dụng. Hiện nay, việc tổ chức đơn vị chuyên trách quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường GTNT phần lớn là kiêm nhiệm, đa số chưa có trình độ chuyên môn về cầu đường, ảnh hưởng đến việc quản lý, đầu tư xây dựng. Ngoài ra, một số tuyến đường liên thôn xóm, đường ra nội đồng, vào vùng sản xuất do kinh phí hạn hẹp nên các tiêu chuẩn kỹ thuật đường được áp dụng chưa phù hợp với điều kiện địa hình, kết cấu mặt đường chỉ đạt được mục tiêu cứng hóa nhằm phục vụ đi lại cho người dân.


“Để khắc phục những hạn chế trên, sở đề nghị UBND tỉnh xem xét cân đối kế hoạch vốn, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường GTNT, đáp ứng định mức đã được quy định. Đồng thời, có giải pháp tăng cường năng lực quản lý hệ thống GTNT, miền núi, như: bổ sung biên chế cho các địa phương, tránh tình trạng kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực”, ông An nói.


Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế phù hợp theo luật định để người dân phát huy vai trò chủ thể trong việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào huy động sức dân đóng góp ngày công lao động để thực hiện việc phát quang hai bên đường, khơi thông rãnh thoát nước…, đặc biệt là vận động nhân dân hiến đất làm đường.


THÀNH NAM