23:01, 10/09/2024

Tương lai cho học sinh khuyết tật - Kỳ cuối: Mở ra hướng đi mới

NHÓM P.V

Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa (viết tắt là trung tâm) đã diễn ra trong niềm vui của các phụ huynh, trong đó có những cha mẹ có con khuyết tật trên 16 tuổi đang theo học, bởi UBND tỉnh đã đồng ý cho các em học hết năm học này. Cùng với đó, giải pháp lâu dài hơn cũng đang được ngành chức năng triển khai nhằm tiếp tục hỗ trợ các em hòa nhập.

Học sinh khuyết tật được hướng dẫn nhận biết qua hình ảnh.
Học sinh khuyết tật được hướng dẫn nhận biết qua hình ảnh.

“Ước con trở thành… người bình thường”

“Trước khi có con, tôi không bao giờ nghĩ "làm người bình thường" lại là điều ước xa vời. “Bình thường” là không phải chạy nơi này nơi khác để tìm ra vị hiệu trưởng đồng ý nhận con vào học một cách thoải mái, thay vì miễn cưỡng nhận do không thể làm trái quy định, nhưng lại thường xuyên “nhắc nhẹ” phụ huynh về sự phiền toái do con gây ra. “Bình thường” là không phải nghe người ngoài phán xét: Sao không chữa cho con sớm đi; chắc hồi bé để nó chơi điện thoại nhiều; có biết dạy con không… Hồi con 2 tuổi, đến trường đón con tan học, thấy tay con bầm tím, chảy máu, tôi hỏi thì được cô giải thích, con bị bạn cắn lúc ngủ trưa, do hồi sáng con cắn miếng bánh của bạn. Do con không khóc nên cô không biết! Tôi đã chuyển trường cho con trong đau xót, vì biết con không thể an toàn nếu chưa hiểu khái niệm sở hữu cũng như việc không được tự tiện lấy đồ ăn của người khác, vì biết con thiếu khả năng tự vệ, dù chỉ là… biết khóc!”, bà Vũ Thị Hoa (phường Phước Hải, TP. Nha Trang), mẹ của một học sinh tự kỷ 14 tuổi mở đầu tâm sự.

Bác sĩ Phan Văn Hiệp - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh: Trung tâm là mô hình lồng ghép giữa y tế và giáo dục, nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác phục hồi các chức năng mà trẻ khuyết tật bị suy giảm, giúp việc học tập thuận lợi, nhẹ nhàng hơn. Trung tâm đã triển khai khá tốt các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo mô hình của một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, dù tên gọi chưa đúng. Đây là mô hình duy nhất trên cả nước; được các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại trung tâm đánh giá cao và đề nghị phát huy, nhân rộng.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của phụ huynh có con khuyết tật, góp phần an sinh xã hội, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành liên quan sớm xem xét xây mới cơ sở, có thể xây khu nhà 4 tầng tại vị trí sân cầu lông của trung tâm hiện nay, diện tích khoảng 250m2; đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ hướng nghiệp, dạy nghề cho các em; sau khi xây xong, thành lập thêm phòng hướng nghiệp dạy nghề để tiếp nhận các em trên 16 tuổi (dự kiến khoảng 100 em) vừa học văn hóa, vừa được hướng nghiệp dạy nghề đến 25 tuổi ra trường. Ở độ tuổi này, các em đã đủ trưởng thành, cùng với việc đã học nghề, các em có thể mưu sinh, tự tin hòa nhập cộng đồng, không lệ thuộc vào gia đình.

Rối loạn phổ tự kỷ đã lấy đi của con bà khả năng khái quát hóa để học hỏi các quy tắc xã hội: Con không giao tiếp mắt; khó diễn đạt thành câu; khó hiểu các khái niệm, luật chơi, các quy tắc xã hội tối thiểu; hành động máy móc; thiếu khả năng tự vệ… Bà đã trải qua những tháng ngày hoang mang tột độ với câu hỏi: "Mai sau mình không còn, con sẽ ra sao?". Những lúc đó, bà chỉ ước con được làm người bình thường, ước có các cơ sở can thiệp, hỗ trợ kỹ năng cho trẻ tự kỷ theo từng giai đoạn phát triển, không bỏ trống giai đoạn, để con vươn lên hòa nhập, được mọi người thoải mái chấp nhận sự khác biệt.

111
Một giờ dạy tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.

Nhìn qua khe cổng ra con hẻm cheo leo dốc ngược lên sườn núi, ông Nguyễn Thanh Lập (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) bảo, ông phải thường xuyên khóa cổng vì lỡ quên, con ông có thể đi mà không biết lối về. Mấy phụ huynh có con tự kỷ ông quen đã phải đến tận tỉnh Phú Yên, Bình Thuận… tìm con đi lạc. Năm nay, con ông sắp bước vào tuổi 17, được xác định khuyết tật trí tuệ mức độ nặng. Nhờ học ở trung tâm, cháu đã biết đọc, biết viết, biết pha chế đồ uống. Mong muốn da diết của ông là có cơ sở chuyên biệt cho con tới sinh hoạt, học nghề, tự làm ra sản phẩm để có thu nhập. Ông Lê Văn Thuận A (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) cũng mong có mô hình nào đó để các con khuyết tật, tự kỷ trên 16 tuổi có nơi học, nhất là học kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng, có thể là thực hành pha chế nước uống, đan lát… Bà Phan Vũ Quế Hương (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) ước ao có những cơ sở hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật, dù là có thu phí, vì chỉ cần con có nơi dạy chữ, dạy nghề đúng phương pháp là bà an tâm.

Hướng tới giải pháp bền vững

Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý cho trung tâm tiếp tục thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật trên 16 tuổi đang học tại trung tâm đến ngày 1-6-2025. Đây là tin rất vui với các phụ huynh của nhóm đối tượng này, dù chưa hoàn toàn hết lo lắng. “Tôi an tâm hơn khi con được học tiếp 1 năm, nhưng vẫn lo cho năm học sau. Tôi đã thử xin cho cháu đi làm pha chế nhưng không ai nhận. Tôi cũng không dám giao con đến những nơi mà nhân viên chưa có kỹ năng chuyên biệt. Khi con tôi lớn, việc học chữ có thể dừng, nhưng việc hỗ trợ kỹ năng vẫn luôn cần. Cháu cần môi trường hòa nhập với các bạn để vươn lên, không tụt lại. Điều này, gia đình tôi không cho con được”, ông Lập giãi bày.   

Một học sinh tự kỷ tham gia một gala âm nhạc tổ chức tại Nha Trang tháng 8-2024.
Học sinh tự kỷ tham gia gala piano tổ chức tại Nha Trang tháng 8-2024.

Hiện nay, có 179 người khuyết tật đủ điều kiện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh, bằng gần 1% so với tổng số người khuyết tật và tổng số người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên trên toàn tỉnh. Không chỉ cha mẹ có con học tại trung tâm, cả phụ huynh có con khuyết tật học hòa nhập tại trường phổ thông cũng mong mỏi có những cơ sở tiếp nhận, giúp con họ không bị chựng lại sau quá trình hỗ trợ hòa nhập. Bà Hoa tâm sự, cha mẹ có con khuyết tật luôn xác định mình là chỗ dựa đầu tiên của con; nhưng nếu họ cũng là chỗ dựa duy nhất thì chỉ còn cách ở nhà chăm con; đồng nghĩa xã hội mất đi một số nhân lực. Nếu có những mô hình hỗ trợ người khuyết tật sau giai đoạn học tại cơ sở chuyên biệt hoặc học hòa nhập tại trường phổ thông, phụ huynh sẽ yên tâm đi làm vì con họ có cơ hội hòa nhập. Sau thời gian dài học hòa nhập ở trường phổ thông và một cơ sở có giáo viên chuyên biệt kèm, mới đây, con bà đã thoải mái tham gia chơi đàn tại một gala piano nho nhỏ.

Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc trung tâm chia sẻ, các em khuyết tật từ đủ 16 tuổi trở lên rất cần nơi sinh hoạt, vui chơi, hướng nghiệp để phát triển các kỹ năng được học và hòa nhập cộng đồng, không thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Để hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập một cách bền vững, rất cần những mô hình xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, chung tay xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, tiếp nhận các em vào học và làm nghề, như: Tổ chức các nông trại, quầy bán cà phê, đồ uống… Hiện nay, trung tâm đã làm được khoảng 90% nhiệm vụ chuyên môn của một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như: Đánh giá, xác định khả năng, tư vấn môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ; can thiệp sớm giáo dục cho trẻ rối loạn phát triển dưới 6 tuổi; tổ chức dạy học và giáo dục theo phương thức chuyên biệt bậc mầm non, tiểu học; tổ chức hướng nghiệp nghề, giới thiệu và hỗ trợ việc làm; tổ chức tham gia hoạt động xã hội tại cộng đồng; tập huấn cho phụ huynh kỹ năng hỗ trợ trẻ tại nhà và giáo viên phụ trách giáo dục hòa nhập tại trường. Riêng việc hỗ trợ học sinh học hòa nhập tại trường phổ thông phải tạm dừng do không đủ nhân lực. Đầu năm 2023, trung tâm khai trương một khu thực hành pha chế và phục vụ đồ uống, bước đầu tạo nơi sinh hoạt, thực hành nghề cho các em. Tín hiệu vui là sau một thời gian phối hợp với khách sạn InterContinental Nha Trang tổ chức khóa học buồng phòng và tạp vụ cho một số học sinh trung tâm, từ tháng 6-2024, khách sạn đã nhận 4 em (3 em khiếm thính, 1 em khuyết tật trí tuệ) vào làm việc bán thời gian.

Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát biên chế ngành Y tế và trung tâm để cân đối, điều chuyển biên chế cho trung tâm hoạt động ổn định. Đặc biệt, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, trung tâm rà soát, tham mưu tỉnh về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của trung tâm, việc thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đảm bảo đúng quy định, phù hợp thực tế, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9. Đây cũng là giải pháp bền vững để hỗ trợ các em khuyết tật trên 16 tuổi tiếp tục vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

NHÓM P.V

Kỳ 1: Đứt gãy đường học