22:12, 20/08/2024

Trả lại sự trong lành cho một dòng sông - Kỳ 2: Hệ quả từ những dòng sông “tắc”

MẠNH HÙNG - VĂN KỲ - THÁI THỊNH

Những dòng sông “tắc” khiến nước không lưu thông, gây nên tình trạng ngập nước khu vực phía tây Nha Trang, môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong thời gian tới, TP. Nha Trang sẽ nỗ lực cải tạo, khơi thông các điểm tắc nghẽn, vừa giải quyết ngập nước, ô nhiễm môi trường, vừa tạo điều kiện phát triển du lịch đường sông theo định hướng của các quy hoạch liên quan.

Nhiều cửa xả ra sông Quán Trường gây ô nhiễm

Sông Quán Trường chảy qua địa bàn phường Phước Hải khoảng 5km, dọc tuyến có các khu dân cư hiện hữu, dự án khu đô thị sát bờ sông. Hiện nay, do công tác giải phóng mặt bằng các dự án ven sông Quán Trường chưa hoàn thành nên hệ thống xử lý nước thải, nước mưa vẫn chưa được khớp nối đồng bộ, vì vậy vẫn còn tình trạng nước thải chưa đảm bảo chất lượng chảy ra sông Quán Trường. Cùng với đó, khu vực địa bàn phường là khu vực hạ lưu sông Quán Trường, về địa chất lòng sông lại cao hơn phía thượng lưu, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến dòng chảy sông Quán Trường bị hạn chế. “Trước thực trạng trên, địa phương đã kiến nghị thành phố sớm ban hành giá đất cho các dự án trên địa bàn phường nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng để khớp nối hệ thống xử lý nước thải; đồng thời giải quyết tình trạng ngập cục bộ gây mất vệ sinh môi trường; tiếp tục nạo vét (giai đoạn 2) của Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường giúp khơi thông dòng chảy cho dòng sông”, ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND phường Phước Hải thông tin.

 

Còn theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hiệp, một trong những nguồn gây ô nhiễm nước sông Quán Trường là do có hàng trăm cống xả thải và việc vứt rác xuống sông của các nhà hàng, quán nhậu, nhà dân dọc bờ sông. Để giải quyết được tình trạng này, các cấp có thẩm quyền cần có giải pháp lâu dài, căn cơ, như: Nạo vét lòng sông, xây dựng nhà máy xử lý nước thải để thu gom, đấu nối và xử lý.

Cửa xả nước từ các khu đô thị chảy ra sông Quán Trường.
Cửa xả nước từ các khu đô thị chảy ra sông Quán Trường.

Trước những hệ quả khôn lường về môi trường, cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức khảo sát chất lượng nước tại các cửa xả dọc tuyến sông Quán Trường. Qua kiểm tra cho thấy, dọc tuyến sông này có nhiều cửa xả nước thải ra sông vượt quy chuẩn về môi trường, như tại vị trí giao nhau giữa đường Võ Văn Kiệt (Vành đai 2) với đường số 7 thuộc Khu đô thị Hà Quang II. Tuyến cống đường số 7 dùng để thoát nước mưa, nhưng khi xử lý chống ngập cục bộ cho khu vực dân cư hẻm 10 đường Đồng Nai đã đấu nối tuyến cống thoát nước chung (nước mưa, nước thải). Từ đó gây ô nhiễm đoạn cửa xả tràn cuối hẻm 10 đường Đồng Nai đến đoạn đầu đường số 7 và tại cửa xả ra sông Quán Trường. Hay như tại vị trí cửa xả đầu cầu Quán Trường (đường Võ Nguyên Giáp), tuyến cống thoát nước bố trí 2 bên vỉa hè đường Tố Hữu là tuyến thoát nước chính thu gom nước mưa cho tuyến đường này; tuy nhiên đã đấu nối thoát nước tuyến cống đường Lê Hồng Phong và Đồng Nai là tuyến cống thoát nước chung nên nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra sông Quán Trường. Một vị trí nữa là cửa xả tại cầu Phong Châu ra sông Quán Trường, nước thải tại khu vực này bị ô nhiễm do một số hộ kinh doanh xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống cống thoát nước mưa.

Ông Trần Lê Hoàng Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng TP. Nha Trang cho biết, qua khảo sát thực tế có thể khẳng định chất lượng nước tại một số cửa xả ra sông Quán Trường bị ô nhiễm. Việc giải quyết vấn đề môi trường tại vị trí cửa xả trên hết sức cấp thiết. Hiện nay, ban đã tham mưu cho UBND thành phố báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh cho phép lập báo cáo chủ trương đầu tư 9 dự án tại 9 vị trí cửa xả bị ô nhiễm môi trường, trong đó có các cửa xả ra sông Quán Trường.

Có cần thiết duy trì đập nước?

Hiện nay, trên sông Quán Trường tại khu vực gần Nhà hàng Hoàng Lan (cầu Dứa đi vào, thuộc xã Vĩnh Hiệp) đang tồn tại đập nước được xây dựng từ lâu. Theo người dân địa phương, đập nước này được xây dựng từ hơn 50 năm trước, có vai trò tích nước phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp ở các xã phía tây TP. Nha Trang, như: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái… Đập nước này còn có vai trò chống xâm nhập mặn khi nước từ cửa biển ở phường Vĩnh Trường “tấn công lên” vào mùa khô hạn. Thế nhưng hiện nay, công trình đang cản trở lưu thông dòng chảy, khiến khu vực hạ lưu bị bồi lắng, ô nhiễm nghiêm trọng. 

Đập nước đến nay đã không còn vai trò phát triển nông nghiệp, cần tháo dỡ để dòng sông thông thoáng
Đập nước đến nay đã không còn vai trò phát triển nông nghiệp, cần tháo dỡ để dòng sông thông thoáng.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết, trước kia xã Vĩnh Hiệp nói riêng và các xã phía tây nói chung có diện tích đất nông nghiệp rất lớn. Vai trò của đập nước vừa tích nước tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp phía trên đập, vừa cung cấp nước nhiễm mặn cho lượng lớn diện tích ao, đìa nuôi thủy sản ở khu vực phía dưới đập. Tuy nhiên hơn 10 năm nay, quá trình đô thị hóa khu vực phía tây phát triển rất nhanh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần, ao đìa cũng bị xóa sổ để dành đất cho các khu đô thị. Vì vậy, đập nước không còn vai trò phát triển nông nghiệp nữa, mà chỉ còn giá trị làm cây cầu tạm cho một cụm dân cư khoảng hơn 100 hộ thuộc thôn Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hiệp). Trong góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phía tây TP. Nha Trang, UBND xã Vĩnh Hiệp đã đề nghị tháo dỡ đập nước để lưu thông dòng chảy, khắc phục tình trạng nước ngập khu dân cư dọc sông Quán Trường mỗi khi mùa mưa tới. Bên cạnh đó, hiện nay, việc hơn 100 hộ dân ở đây chỉ có lối đi duy nhất qua đập nước chỉ rộng khoảng 1m là không đảm bảo an toàn, chưa kể nếu xảy ra hỏa hoạn, xe chữa cháy sẽ không có lối tiếp cận. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xem xét tháo dỡ đập nước, xây dựng cầu để người dân đi lại thuận lợi.

Ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (đơn vị đang quản lý đập nước) thừa nhận công trình đập nước trên sông Quán Trường từ lâu đã không còn vai trò tưới tiêu nông nghiệp. Việc tồn tại đập nước chỉ gây cản trở dòng nước, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, công ty đã rà soát tất cả công trình thủy lợi không còn vai trò trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thanh lý, tháo dỡ. Việc tháo dỡ công trình thủy lợi phải theo quy định, đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, vì vậy phải đợi sự đồng ý, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên thì công ty mới thực hiện được.

Thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ

Không chỉ ô nhiễm môi trường, việc lòng sông bị thu hẹp, bồi lắng tắc nghẽn cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho tình trạng ngập lụt ở các xã phía tây TP. Nha Trang ngày càng diễn biến phức tạp. Đến nhà ông Trần Ngọc Giùm (thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp), chúng tôi khá ngạc nhiên khi dòng sông Quán Trường chảy đến đây thì bị tắc nghẽn. Dọc đoạn sông này bèo dày đặc, đất bị bồi lắng, nước cạn và rất ô nhiễm. Ông Giùm cho biết, trước kia dòng sông tuy không thông thoáng nhưng cũng chảy bình thường. Từ khi có dự án cải tạo dòng sông triển khai thì đoạn này bị chặn dòng, nước tù đọng, rồi cạn dần. Thế nhưng mỗi mùa mưa bão, khu vực này lại bị ngập nặng do nước lên nhanh, rút chậm.

Một nhánh của sông Tắc bị chặn dòng, nước không lưu thông.
Một nhánh của sông Tắc bị chặn dòng, nước không lưu thông.

Một trong những khu vực thường xuyên bị ngập nặng vào mùa mưa bão được xác định là xã Vĩnh Thạnh. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh) cho hay: “Hơn chục năm trước, thỉnh thoảng khu vực này mới bị ngập, mỗi lần ngập chỉ khoảng 3 - 4 giờ là rút hết nước. Nhưng hơn 3 năm gần đây, tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn nhiều so với trước. Năm 2021, nhà tôi chịu 3 trận ngập, nặng nhất là đợt cuối tháng 11, đầu tháng 12; chỉ vài giờ, nước đã dâng lên cả mét, hầu hết người dân trong vùng đều không kịp trở tay. Nhà tôi ngập sâu gần 2m, đồ đạc hư hết, thiệt hại rất lớn. Gần đây nhất là đợt lụt giữa tháng 11-2023, nhà tôi bị ngập đến hơn 1m, cũng may vào buổi sớm nên chủ động kê cao đồ đạc, lại được lực lượng dân quân tự vệ xã hỗ trợ nên không thiệt hại gì nhiều”.

Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, những năm qua, khu vực các xã phía tây thành phố thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, đặc biệt là nước dâng nhanh làm ngập sâu, nhưng thoát chậm mỗi khi hồ Suối Dầu và hồ Am Chúa xả điều tiết, kết hợp với nước lũ và triều cường trên sông Cái, sông Quán Trường; ngập nặng ở khu vực dân cư các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái và các tuyến đường 23 tháng 10, Hương lộ 45… gây chia cắt. Những năm gần đây, tình hình ngập lụt có diễn biến bất thường, nước lũ dâng nhanh trong thời gian ngắn và thoát chậm, có khi đến 2 - 3 ngày, làm cho người dân vùng lũ không đủ thời gian để di dời tài sản đến nơi an toàn, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân.

Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho rằng, vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra khá nhanh. Các khu đô thị mới, khu tái định cư ở phía hạ lưu được hình thành với cao độ san nền theo quy hoạch bình quân từ 3 đến 4m; cao độ nền đường 23 tháng 10 là 4 đến 6m và đường Võ Nguyên Giáp khoảng 5 đến 8m theo chiều từ đông sang tây. Trong khi đó, cao độ nền hiện trạng khu vực dân cư ở các xã phía tây Nha Trang bình quân chỉ khoảng 2,6m, cá biệt ở xã Vĩnh Thạnh chỉ 2,4m. Cao độ nền khu vực phía đông cao hơn phía tây, tạo thành đê chắn nước tự nhiên, trong khi các con sông, hệ thống thoát lũ chưa phát huy hết công năng khiến cho nước thượng nguồn đổ về không thoát được gây ngập cho các xã phía tây Nha Trang.

MẠNH HÙNG - VĂN KỲ - THÁI THỊNH

Kỳ 1: Dòng sông đang bị “bức tử”

Kỳ 3: Khơi thông những dòng sông