Nằm dưới chân đèo Rù Rì (TP. Nha Trang), mấy chục năm nay, chùa Kim Sơn đã trở thành nơi ươm mầm hy vọng, gieo con chữ cho nhiều lớp học sinh nghèo, mồ côi. Và như dòng suối mát lành, các sư cô trong chùa lại tiếp tục lan tỏa việc thiện đến những bệnh nhân, người nghèo qua các bữa cơm chay miễn phí.
Lớp học từ tình yêu thương
Từ trung tâm TP. Nha Trang, theo Quốc lộ 1, vừa qua cầu vượt đèo Rù Rì, men theo con đường nhỏ, chúng tôi tìm đến chùa Kim Sơn (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, Nha Trang). Ngôi chùa rộng rãi, yên tĩnh với những lối đi nhỏ trải đá, ngập tràn bóng cây xanh.
Các học sinh của lớp học tình thương chùa Kim Sơn. |
Bước đến dãy nhà cấp 4 thoáng mát nằm góc phải của chính điện chùa, chúng tôi nghe tiếng đọc bài ê a vang lên. Khác với những lớp học ở trường, ở các lớp này, các bạn nhỏ có độ tuổi khác nhau, học chương trình khác nhau ngồi chung một lớp.
Căn phòng dành cho học sinh lớp 3, 4, 5 có 5 dãy bàn với 11 học sinh. Chúng tôi ấn tượng với 3 em có khuôn mặt giống nhau. Theo lời giới thiệu của cô giáo, 3 em là chị em ruột gồm: Nguyễn Cẩm Tú (16 tuổi), Nguyễn Phi Hùng (14 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Nhung (13 tuổi) ở phường Vĩnh Hòa (Nha Trang), là những học sinh mới nhập học hồi tháng 5. Nước da ngăm đen, đôi mắt sáng, Hùng kể, bố mẹ em làm thợ hồ, ở nhà thuê nên tiền kiếm được chỉ đủ nuôi ăn; còn từ nhỏ 3 chị em ở nhà tự học, không có điều kiện đến trường. Năm ngoái, có người bạn giới thiệu nên em biết tới chùa Kim Sơn. Sau khi xin phép, được cha mẹ đồng ý, 3 chị em lên đây học. “Học ở đây chúng em rất vui vì có bạn. Em đang học chương trình lớp 3. Các cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chúng em cách làm người, biết chào hỏi người lớn, giúp đỡ em nhỏ…” - Hùng khoe.
Các em học sinh vui chơi trong giờ giải lao. |
Lớp bên cạnh dành cho các em từ mầm non đến lớp 2, được chia thành 2 dãy. Một bên dành cho các em ở độ tuổi mầm non, lớp 1 tập viết chữ cái; một bên dành cho các em quá tuổi học lại kiến thức lớp 1. Trong lớp học, cô giáo Trần Thị Kim Thanh đang hướng dẫn cho 2 em đã ở độ tuổi thanh thiếu niên các phép tính 2 con số. Dường như đoán được sự tò mò của chúng tôi, cô Kim Thanh giải thích: “Đây là em Đạt 17 tuổi, em Hiệp 15 tuổi. Các em đang học chương trình lớp 1. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em theo cha mẹ đi làm từ sớm, không được học hành đầy đủ nên vào đây phải học lại từ đầu. Riêng Hiệp còn có 2 em ruột cũng học chung trong lớp này”. Ở đây, hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lo chạy ăn từng bữa nên không chăm lo được việc học hành của con; có em mồ côi từ khi mới sinh ra, có em bị chậm phát triển không theo kịp chương trình ở trường phải gửi vào đây. Thương hoàn cảnh các em nên gần 15 năm qua, cô luôn cố dạy cho các em biết con chữ để sau này đỡ khổ hơn.
Cô Trần Thị Kim Thanh dạy toán cho một học sinh. |
Theo lời kể của sư cô Thích Nữ Lệ Nhật, lớp học tình thương tại chùa Kim Sơn được mở từ năm 1995. Ban đầu, lớp học chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nhưng nay đã được xây dựng khang trang. Có những thời điểm, lớp học hơn 100 em nhưng những năm gần đây, các gia đình có điều kiện hơn nên cho các em theo học ở trường. Nhà chùa dạy từ lớp 1 đến lớp 5 theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu để xóa mù chữ cho các em. Sang bậc THCS, gia đình em nào có điều kiện thì cho các em tiếp tục theo học tại các trường của xã.
Đúng 9 giờ, tiếng trống vang lên, hơn 40 học sinh của 2 lớp học tình thương chùa Kim Sơn như ong vỡ tổ, ùa ra sân chơi. Xen lẫn trong tiếng hót líu lo của những chú chim trên cành cây là tiếng vui đùa, tiếng nói cười râm ran đầy hạnh phúc của các bạn nhỏ nơi đây.
Tiếp sức cho những mảnh đời
14 giờ, lớp học may nằm trong khuôn viên chùa bắt đầu. Cũng là những gương mặt thân quen của lớp văn hóa buổi sáng, mỗi em ở lớp may được dạy giáo trình khác nhau dựa vào thời gian theo học và kỹ năng từng em.
Sau khi lớp học ổn định, cô Bùi Thị Bích Hợp - giáo viên lớp may đến từng bàn kiểm tra, hướng dẫn cách may, ráp đồ. Cô Hợp kể, cô tự nguyện làm giáo viên dạy may cho các em ở chùa đã gần 20 năm, chứng kiến số phận của các em từ khi bước vào lớp đến khi ra nghề, có công việc nuôi sống bản thân, gia đình; có em còn quay lại phụ cô dạy may cho đàn em lớp sau. Dừng lại một chút, cô Hợp nhẩm tính, đã có gần 40 học sinh ở đây ra nghề được nhận vào làm ở Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Xí nghiệp May Khatoco hoặc các cơ sở may mặc của người dân. Theo cô Hợp, ban đầu lớp chỉ có vài máy may, máy vắt sổ cũ. Nhưng nhờ sư cô đi xin nơi này, nơi kia nên giờ lớp có gần chục máy may; kim chỉ, phụ liệu may cũng khá đa dạng để các em thực hành.
Lớp dạy may cho các em ở chùa Kim Sơn. |
Thành thạo ráp túi vào áo sơ mi, em Lê Thị Lê Mai (17 tuổi) khoe: “Em theo học lớp may được 4 năm. Hiện giờ đã may được áo, quần. Em đã tự may được cho mình 2 bộ đồ mới. Dự định khi đủ 18 tuổi, em sẽ xin đi làm ở các xí nghiệp để có tiền phụ gia đình và tiết kiệm sau này tự mở cửa hàng may”. Từng là cựu học sinh của chùa, chị Trần Thị Xuân Hiếm (sinh năm 1993, xã Vĩnh Lương) chia sẻ, do bố mẹ quá nghèo, không có tiền cho con học ở trường nên gửi chị theo học ở chùa. Hơn 7 năm vừa học chữ vừa học may, chị đã có tay nghề thành thạo và xin vào làm tại một công ty may ở TP. Nha Trang với thu nhập 4 triệu đồng/tháng và nhận sửa đồ thêm ở nhà vào buổi tối. Vào Chủ nhật hoặc ngày lễ, chị Hiếm quay lại chùa để dạy nghề cho các lớp đàn em. “Tôi luôn biết ơn sự nâng đỡ của các sư cô, của cô giáo đã cho tôi biết con chữ và học nghề để nuôi gia đình. Tôi mong muốn các em có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ được mọi người quan tâm, chia sẻ như vậy”, chị Hiếm nói.
Ấm tình bếp ăn thiện nguyện
Đều đặn mỗi sáng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, các tình nguyện viên của bếp cơm chay miễn phí Thiện Tâm ở đường Trần Quý Cáp (Nha Trang) có mặt từ sớm để chuẩn bị các suất cơm cho bệnh nhân và người có hoàn cảnh khó khăn. Bếp ăn do các sư cô chùa Kim Sơn và một số mạnh thường quân chung tay thành lập được hơn một năm nay. Dù là cơm chay từ thiện nhưng nguyên liệu để nấu luôn được chọn lựa kỹ càng, tươi ngon. Các suất cơm đầy đủ các món canh, kho, xào và được thay đổi mỗi ngày. Hiện nay, bếp cơm chay miễn phí Thiện Tâm có hơn 20 tình nguyện viên, trong đó có 7 tình nguyện viên thường trực, hầu hết đã lớn tuổi song ai cũng vui khi được chung tay nấu những suất cơm nóng hổi, đủ dinh dưỡng dành tặng các hoàn cảnh khó khăn. “Mỗi ngày, bếp Thiện Tâm nấu khoảng 300 suất cơm, trong đó, hơn 200 suất được vận chuyển đến tặng cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, số còn lại phục vụ cho người dân đến ăn tại bếp”, sư cô Thích Nữ Lệ Nhật cho biết.
Tình nguyện viên bếp ăn Thiện Tâm phát cơm chay miễn phí cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu tỉnh. |
Nhận hộp cơm chay còn nóng hổi từ tình nguyện viên bếp ăn Thiện Tâm, bà Lê Thị Khải (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) ríu rít cảm ơn. “Lúc khó khăn đau ốm, nhận được sự chia sẻ của mọi người, của bếp ăn Thiện Tâm, tôi rất xúc động”, bà Khải chia sẻ. Chồng bị u bướu ở mắt điều trị tại bệnh viện hơn một tháng nay, ngày nào bà Khải cũng được nhận cơm chay từ bếp ăn Thiện Tâm, nhờ đó gia đình bà đỡ phần chi phí.
Bà CHU THỊ PHƯƠNG NGA - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lương: Nhiều năm qua, chùa Kim Sơn đã có những hoạt động thiết thực đồng hành với cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, chăm lo, góp phần thực hiện an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Các sư cô của chùa Kim Sơn còn duy trì lớp học tình thương, lớp học may và tìm việc cho các em là con của hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức bếp chay miễn phí tặng cho bệnh nhân và người có hoàn cảnh khó khăn... Chùa còn vận động phật tử, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ và trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, người già cô đơn nhân các ngày lễ, Tết hàng năm. Ngoài công tác từ thiện, chùa thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của chính quyền, MTTQ địa phương; chùa còn xây dựng nhiều mô hình hiệu quả do UBMTTQ Việt Nam xã phát động như: “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Thu gom vỏ lon, vỏ chai, giấy vụn gây quỹ “Vì người nghèo”"…
LY DUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin