Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc mua bán online chỉ qua một vài thao tác nhỏ trên điện thoại, nhanh chóng, thuận lợi nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Từ đó, nghề shipper (người giao hàng) được ra đời để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Muôn nẻo chuyện nghề
Những ngày tháng 5, trời oi bức, trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang), anh Nguyễn Trung Tín chở phía sau xe máy một thùng hàng lớn với lỉnh kỉnh những món hàng chạy trên đường rồi rẽ vào đường Biệt Thự. Dừng lại dưới bóng cây xanh ven đường, anh Tín mở chiếc khăn bịt kín khuôn mặt, lau vội những giọt mồ hôi, rồi lấy điện thoại ra gọi: "Dạ chị Thùy, chị có đơn hàng 235.000 đồng, bây giờ em giao cho chị nhé”. Vừa kết thúc cuộc gọi, anh Tín vội vã đến địa điểm giao hàng cho khách. Xuống nhận hàng, khách đề nghị chuyển khoản, anh Tín lấy chiếc điện thoại có mã QR sẵn để khách chuyển tiền. Cuộc giao dịch diễn ra nhanh chóng. Đó là một trong hàng chục đơn hàng mà anh Tín giao mỗi ngày ở khu vực Nha Trang.
Một shipper giao hàng ở TP. Nha Trang. |
Anh Tín chia sẻ, anh làm công việc này đã được 3 năm. Trước đây, anh làm việc hợp đồng trong công ty, sau dịch Covid-19 thì hết hợp đồng nên anh chạy Grab, làm shipper cho hãng xe công nghệ. Chỉ sau vài ngày làm thủ tục, học các kỹ năng giao tiếp theo quy định, anh có tên trên app của hãng và bắt đầu làm việc. Mỗi người làm việc thường chọn những khu vực cố định để chờ khách, riêng anh thường đứng ở khu vực chợ Xóm Mới (phường Tân Lập, Nha Trang). Số lượng người làm nghề này đông, nên khi có người gọi đến, hãng thường ưu tiên những người làm lâu năm đón khách, giao hàng; những người mới gia nhập nghề rất ít khi được chọn để đón khách. Những dịp lễ, Tết khách đông, những ngày bình thường có khi ngồi đợi cả buổi cũng không có khách, trong khi app luôn phải bật, không dám tắt. Vừa chạy Grab, kiêm luôn giao hàng, dù làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng thu nhập cũng bấp bênh, vất vả.
Ra trường được 2 năm nhưng do chưa xin được việc làm nên anh Hoàng Trung Lâm (quê ở tỉnh Phú Yên) chạy Grab kiêm luôn shipper giao hàng khu vực phường Vạn Thạnh, Nha Trang. Anh Lâm chia sẻ, mỗi ngày, anh giao được khoảng 40 - 60 đơn hàng; mỗi đơn hàng anh được trả 6.000 đồng, trung bình mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng, trừ tiền thuê trọ, tiền ăn, xăng, bảo dưỡng xe… dư lại không đáng là bao. Những ngày đau ốm, không chạy thì không có tiền. Nghề này cứ giao hàng thành công thì sẽ được nhận phí ship hàng, ngoài ra chẳng có chế độ gì và công ty cũng không chịu trách nhiệm gì với công việc của shipper. Làm nghề này dù mưa gió hay nắng nóng đều phải chạy suốt ngày trên đường, những bữa ăn chủ yếu là cơm hộp ở dọc đường, hay vào các quán cà phê.
Bảng tính tiền của một người chạy Grab, shipper. |
Hẹn gặp rất nhiều lần tôi mới gặp được Võ Thanh Mạnh - nhân viên shipper của Shopee. Trong câu chuyện nghề nghiệp, Mạnh thoải mái chia sẻ những vui buồn trong nghề. Mỗi ngày, một shipper như Mạnh phải giao cả vài chục đơn hàng thì có thu nhập từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Điều Mạnh và các đồng nghiệp thường gặp nhất là việc bị bom hàng, hoặc khách hàng thường nhầm người giao hàng với chủ hàng. Mạnh kể, có lần, anh có đơn hàng giao cho khách tại địa chỉ thuộc tổ 2 xã Vĩnh Thái, Nha Trang. Tuy nhiên, khi đến nơi thì không có người này ở nhà. Đến lần thứ 3, Mạnh gọi điện thì khách nói cứ giao hàng vào nhà rồi nhắn số tài khoản qua điện thoại, khách sẽ chuyển. Số tiền chỉ khoảng 300.000 đồng nên anh đồng ý. Nhưng chờ mãi không thấy khách chuyển tiền, liên lạc lại số điện thoại thì không được, quay lại chỗ giao hàng thì cũng chẳng gặp được ai để đòi, thế là Mạnh mất trắng đơn giao hàng ấy. Hay tuần trước, anh có đơn hàng giao điện thoại Samsung từ một tỉnh ngoài Bắc. Trên đơn hàng ghi không cho xem hàng, thế nhưng người mua vẫn mở hàng, đến khi phát hiện chiếc điện thoại không đúng với hàng đặt mua, khách liền chửi anh là đồ lừa đảo. Anh phân bua nhưng họ vẫn không chịu...
Vui vì có việc làm để trải nghiệm
Sau những chuyến xe, đơn hàng được giao, điều hạnh phúc nhất của người làm nghề vận chuyển, giao hàng đó là nụ cười, sự hài lòng của khách hàng. Chị Nguyễn Thanh Phúc (phường Lộc Thọ, Nha Trang) cho biết: "Tôi vừa đặt mua một chiếc máy ảnh từ TP. Hồ Chí Minh và được shipper giao tận tay. Hàng được bọc kỹ trong thùng xốp, shipper giao rất nhanh và cẩn trọng, kỹ càng để bảo quản đơn hàng của tôi. Những người giao hàng hiện nay đều là các bạn còn rất trẻ, lễ phép và tạo được thiện cảm, hài lòng cho người nhận”.
Một nữ shipper giao hàng ở TP. Nha Trang. |
Anh Hoàng Trung Lâm bộc bạch, dù nghề chạy Grab, vận chuyển hàng vất vả, đối mặt với rủi ro, nhưng một người trẻ như anh cảm thấy tự hào khi kiếm được tiền đàng hoàng từ công sức mình bỏ ra. Mỗi chuyến xe chở khách, anh cũng được nghe và biết thêm nhiều chuyện, tăng thêm trải nghiệm cho bản thân. Có nhiều khách hài lòng, thấy công việc vất vả, còn tặng thêm tiền cho anh. Tuy thu nhập không nhiều nhưng mỗi tháng từ công việc này anh cũng tích góp được chút tiền gửi về cho bố mẹ để trang trải cuộc sống ở quê. Anh sẽ tiếp tục làm tốt công việc để chờ đợi những cơ hội lớn hơn mở ra với mình.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ một đại lý hãng công nghệ giao hàng nhanh ở Nha Trang cho biết, trong thời đại công nghệ bùng nổ, rất nhiều hãng công nghệ, giao hàng nhanh, tiết kiệm cạnh tranh với nhau. Chỉ riêng ở Nha Trang đã có hàng trăm người chạy Grab, làm shipper giao hàng. Nghề này ra đời phù hợp với xã hội hiện nay, giúp giao thương hàng hóa trở nên thuận lợi hơn. Tuy thu nhập không ổn định, còn nhiều bấp bênh, nhưng nghề này phù hợp với các bạn trẻ mới ra trường, chưa có công việc ổn định để duy trì cuộc sống. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tuy là nghề vất vả nhưng kiếm được tiền lương thiện từ chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra thì đây cũng là nghề đáng tự hào.
CHÍ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin