23:35, 18/12/2023

Tràn lan nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch - Kỳ cuối: Hướng đến phát triển nuôi trồng bền vững

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Kỳ cuối: Hướng đến phát triển nuôi trồng bền vững

Việc sắp xếp lồng bè vào đúng vùng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, dù khó khăn đến mấy tỉnh cũng quyết tâm xử lý dứt điểm việc NTTS tự phát tràn lan để hướng đến phát triển NTTS hiện đại, bền vững.

Tăng cường quản lý

Theo báo cáo ngày 30-11 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên toàn tỉnh có 4 vùng nuôi chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Theo kết quả thống kê năm 2022, toàn tỉnh có 2.695 hộ NTTS với 97.794 ô lồng. Trong đó, huyện Vạn Ninh có 1.213 hộ với 32.608 ô lồng; thị xã Ninh Hòa có 132 hộ với 2.694 ô lồng; TP. Nha Trang có 181 hộ với 4.900 ô lồng; TP. Cam Ranh có 1.169 hộ với 57.592 ô lồng. 

Các vị lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm tại mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở xã Cam Lập.

Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua làm việc và kiểm tra thực tế ở các địa phương, sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan, như: Công an, Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang… để tạo sự thống nhất, đồng loạt trong xử lý. Riêng TP. Cam Ranh và huyện Vạn Ninh, chính quyền địa phương cần tiến hành các biện pháp quyết liệt xử lý những khu vực nuôi với mật độ cao, cản trở luồng lạch tàu thuyền, nơi neo đậu tránh trú bão. TP. Cam Ranh cần tiến hành cưỡng chế, thu dọn các dây, phao nuôi vẹm, hàu… làm cản trở tàu thuyền lưu thông vào Cảng Cam Ranh, Cảng Ba Ngòi, Cảng động lực hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão…

Theo ông Hoan, về lâu dài cần giảm dần diện tích nuôi ao đìa, lồng bè ven bờ; thực hiện việc giao mặt nước biển cho người dân, trong đó lưu ý ưu tiên cho các hộ sinh sống tại địa phương mà thu nhập chủ yếu dựa vào NTTS hoặc chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang NTTS để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất ổn định đời sống. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người nuôi chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan.

Đẩy mạnh phát triển nuôi biển công nghệ cao

Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu về phát triển nuôi biển công nghệ cao. Tiên phong phải kể đến Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam với 100% vốn FDI của Hoa Kỳ. Đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư 200 triệu USD để nuôi cá chẽm tại vùng biển vịnh Vân Phong. Ở vịnh Vân Phong còn có 2 đơn vị nuôi biển ứng dụng công nghệ cao khác đang đầu tư nuôi cá chim vây vàng rất hiệu quả. Trong đó, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đạt sản lượng 250-300 tấn cá thương phẩm/năm và Công ty Cổ phần Thủy sản Phương Minh đạt sản lượng 150 tấn/năm.

Cuối tháng 5-2023, tại vùng biển hở thuộc xã Cam Lập (TP. Cam Ranh), UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động thí điểm nuôi biển công nghệ cao và chính thức triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao sử dụng lồng nuôi HDPE trên vùng biển hở. Qua đó nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong NTTS gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái; từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị với định hướng đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp ở vùng biển xa bờ.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (đơn vị cung cấp công nghệ nuôi biển hiện đại), nghề NTTS dọc khu vực miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng vẫn theo phương thức truyền thống, với quy mô nhỏ, thô sơ. Lồng bè gỗ chen chúc trên các vùng nuôi dẫn đến nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiệt hại do mưa bão. Sau mỗi mùa thu hoạch, các bãi biển dày đặc rác thải nhựa và lưới hỏng từ lồng nuôi tôm hùm. Trong khi đó, việc tiêu thụ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Bà Bình khẳng định: “Để phát triển ngành NTTS cần hướng đến nuôi công nghệ cao, đảm bảo môi trường. Việc dùng các lồng theo công nghệ Na Uy có thể nuôi tại vùng biển hở, xa bờ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với chỉ dẫn địa lý vùng nuôi. Đồng thời, có thể phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng hiện đại gắn với du lịch. Các trang trại nuôi hải sản cũng chính là điểm đón tiếp khách du lịch đến trải nghiệm”.

Đầu tư theo hướng hiện đại

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng: "Hoạt động NTTS hiện nay chủ yếu là nuôi ven bờ, nhỏ lẻ, tự phát, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường. Nếu không đảm bảo các yếu tố về môi trường thì các thị trường lớn trên thế giới sẽ đánh thuế rất cao. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vì thế, mấu chốt của nuôi biển công nghệ cao là phải giao diện tích mặt nước lớn, phải hình thành các cụm công nghiệp nuôi biển. Để làm được điều này phải huy động được các nhà đầu tư có tiềm lực, xây dựng các cụm công nghiệp có đầy đủ hạ tầng cũng như các dịch vụ khác. Người dân nếu có nhu cầu thì chỉ cần ra đó thuê lại hạ tầng để nuôi, giải quyết được nhiều vấn đề về nguồn vốn đầu tư, tránh được tình trạng nuôi tự phát và các vấn đề liên quan đến môi trường.

Ông Lê Văn Hoan cho biết, đối với việc phát triển NTTS ở vùng biển hở, thời gian tới, tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xúc tiến việc hình thành các tổ liên kết NTTS tiến tới thành lập các hợp tác xã NTTS và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để ổn định thu nhập cho người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, dư địa của ngành nuôi biển của nước ta còn rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên ngành nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Vì thế, trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển nuôi biển. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng và phòng, chống dịch bệnh…

Ômg NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Nhiều năm qua, tình trạng NTTS tràn lan, không theo quy hoạch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, làm mất mỹ quan đô thị. Tỉnh đã xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Vì vậy, nguồn tài nguyên này phải được khai thác, sử dụng hiệu quả bằng các giải pháp phát triển NTTS theo hướng bền vững, tốn ít diện tích mặt nước nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Từ tình trạng lồng bè NTTS trái phép xuất hiện ngày càng nhiều, Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các địa phương ven biển về giải pháp xử lý, sắp xếp, chấn chỉnh tình trạng NTTS tràn lan với mật độ cao không theo quy hoạch, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm cản trở tàu, thuyền lưu thông trên biển. Trong đó, rà soát xác định, thống kê số hộ nuôi ngoài tỉnh và trong tỉnh để có biện pháp tổ chức quản lý theo quy định. Đây là nhiệm vụ khó khăn, tốn thời gian, công sức, đòi hỏi phải tập trung, quyết tâm cao, nhưng khó mấy cũng phải làm.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Kỳ 1: Ồ ạt nuôi biển tự phát 

Kỳ 2: Thu hẹp vùng nuôi