Hỏi: Tôi và ông Trần Hữu A là hàng xóm ở cạnh nhau. Tôi và ông A đều có ao nuôi nhiều loại cá, chuẩn bị thu hoạch. Trận mưa vừa rồi quá lớn làm nước ngập tràn bờ. Sau khi nước rút, tôi kiểm tra lại ao nhà thì cá đi gần hết, còn ao nhà ông A thì cá rất nhiều. Tôi đã qua thương lượng để ông A chuyển lại một số cá cho tôi nhưng ông A không đồng ý. Tôi có thể khởi kiện đòi lại cá hay không?
Nguyễn Văn B (huyện Vạn Ninh)
Hỏi: Tôi và ông Trần Hữu A là hàng xóm ở cạnh nhau. Tôi và ông A đều có ao nuôi nhiều loại cá, chuẩn bị thu hoạch. Trận mưa vừa rồi quá lớn làm nước ngập tràn bờ. Sau khi nước rút, tôi kiểm tra lại ao nhà thì cá đi gần hết, còn ao nhà ông A thì cá rất nhiều. Tôi đã qua thương lượng để ông A chuyển lại một số cá cho tôi nhưng ông A không đồng ý. Tôi có thể khởi kiện đòi lại cá hay không?
Nguyễn Văn B (huyện Vạn Ninh)
Trả lời: Có thể nói rằng, ông khởi kiện vụ án dân sự thì được nhưng chắc chắn ông sẽ thua kiện. Bởi vì, Điều 233 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó”. Trời mưa lớn, nước ngập, cá bơi đi như ông miêu tả là yếu tố hoàn toàn tự nhiên, không phải do con người tạo ra. Không có cơ sở thực tiễn và pháp lý để xác định là cá nuôi trong ao nhà ông đã di chuyển sang ao nhà ông A. Do đó, tòa án sẽ không thể chấp nhận yêu cầu của ông nếu ông khởi kiện.
Cũng cần nói thêm rằng, nếu ông đánh dấu được riêng biệt cá của ông nuôi trong ao (khác biệt với cá ông A nuôi và cả cá ở nơi khác) hoặc ông chỉ nuôi một loại cá, ông A cũng chỉ nuôi một loại cá (khác loại cá ông đang nuôi) thì trong trường hợp này, ông A phải thông báo công khai để chủ cá đến nhận lại. Nếu sau một tháng, kể từ ngày thông báo không ai đến nhận thì số cá đó thuộc quyền sở hữu của ông A.
Nói chung, ông nên thương lượng lần nữa vì “tình làng, nghĩa xóm”. Nếu ông A vẫn không đồng ý thì đành chịu vậy.
Tiến sĩ - Luật gia Lê Xuân Thân