10:07, 14/07/2022

Di chúc không chứng thực có giá trị pháp lý không?

Hỏi: Bố tôi có bản di chúc để lại nhưng là bản do ông tự viết, không có cơ quan nào chứng cả. Anh em tôi có người nói chia tài sản theo di chúc vì đó là ý nguyện của ông, nhưng cũng có người cho rằng di chúc không có chứng thực thì không có giá trị. Xin cho biết việc này được hiểu thế nào?


Lê Minh Hoan (huyện Khánh Vĩnh)


 

 

Hỏi: Bố tôi có bản di chúc để lại nhưng là bản do ông tự viết, không có cơ quan nào chứng cả. Anh em tôi có người nói chia tài sản theo di chúc vì đó là ý nguyện của ông, nhưng cũng có người cho rằng di chúc không có chứng thực thì không có giá trị. Xin cho biết việc này được hiểu thế nào?


Lê Minh Hoan (huyện Khánh Vĩnh)


Trả lời: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Pháp luật dân sự thừa nhận và tôn trọng điều đó. Bởi vậy, người để lại di sản lập di chúc bằng văn bản và trong trường hợp không thể lập bằng văn bản được thì có thể di chúc miệng.


Với di chúc bằng văn bản, pháp luật về thừa kế quy định bao gồm di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.


Một bản di chúc là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:


a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.


b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.


Mặt khác, với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc, đồng thời phải có các nội dung chủ yếu như ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.


Khi hội đủ các điều kiện nêu trên thì một bản di chúc không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng