Hoạt động tiếp công dân đã tạo điều kiện để cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân thông qua các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của người dân trong một số vụ việc khiếu nại phức tạp. Vậy, pháp luật có quy định những trường hợp nào người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân?
. Hỏi: Hoạt động tiếp công dân đã tạo điều kiện để cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân thông qua các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của người dân trong một số vụ việc khiếu nại phức tạp. Vậy, pháp luật có quy định những trường hợp nào người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân?
Hoàng Long (TP. Nha Trang)
. Trả lời: Người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân có các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Luật Tiếp công dân. Trong đó có các lưu ý như: Thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình… Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài và những trường hợp khác được pháp luật quy định.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG