Hỏi: Em gái tôi kết hôn và có một đứa con năm nay đã 8 tuổi. Em rể tôi làm ăn giàu có nhưng lại không chung thủy nên em gái tôi muốn ly hôn. Tuy nhiên, hiện đứa con lại do nhà nội nuôi và gửi đi học ở nước ngoài. Nay em gái tôi muốn được quyền nuôi con nếu ly hôn. Xin hỏi, Tòa án có thể giao con cho em tôi nuôi mà không cần hỏi ý kiến của cháu được không?
(Phạm Thị Xuân - Ninh Hòa)
Hỏi: Em gái tôi kết hôn và có một đứa con năm nay đã 8 tuổi. Em rể tôi làm ăn giàu có nhưng lại không chung thủy nên em gái tôi muốn ly hôn. Tuy nhiên, hiện đứa con lại do nhà nội nuôi và gửi đi học ở nước ngoài. Nay em gái tôi muốn được quyền nuôi con nếu ly hôn. Xin hỏi, Tòa án có thể giao con cho em tôi nuôi mà không cần hỏi ý kiến của cháu được không?
(Phạm Thị Xuân - Ninh Hòa)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Nếu người con đi học nước ngoài mà tòa án không thể xác định nguyện vọng của cháu muốn ở với ai thì căn cứ vào công văn 01/GĐ-TANDTC ngày 5-1-2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về nghiệp vụ xét xử của tòa án để giải quyết. Theo đó, nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Mặt khác, theo quy định tại Điều 214, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc không lấy được lời khai của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Do vậy, trong trường hợp này, Tòa án sẽ vẫn giải quyết theo thủ tục chung và căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để xem xét, quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con.
TKTS