Chú tôi trước đây sang Đức sinh sống và tốt nghiệp đại học, lập nghiệp bên đó. Hiện nay chú đã về Việt Nam định cư. Do có vốn tiếng Đức nên chú có ý muốn tham gia làm cộng tác viên dịch thuật tiếng Đức. Xin cho biết trường hợp của chú tôi có được cơ quan nhà nước chấp nhận không?
Hỏi: Chú tôi trước đây sang Đức sinh sống và tốt nghiệp đại học, lập nghiệp bên đó. Hiện nay chú đã về Việt Nam định cư. Do có vốn tiếng Đức nên chú có ý muốn tham gia làm cộng tác viên dịch thuật tiếng Đức. Xin cho biết trường hợp của chú tôi có được cơ quan nhà nước chấp nhận không?
Nguyễn Văn
(Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa)
Trả lời: Để được ký hợp đồng với Phòng Tư pháp làm cộng tác viên dịch thuật phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật và có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch, hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Riêng đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch. Đây là quy định bắt buộc được thể hiện trong Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên của Chính phủ, Thông tư 20/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp ghi nhận rằng, người dịch phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Với các quy định pháp luật được viện dẫn, nếu người chú của bạn đã học đại học ở Đức bằng tiếng Đức thì đã có điều kiện về bằng cấp để có thể trở thành cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp.
Cũng cần nói thêm, do thư bạn không nói rõ lúc người chú sang Đức ở độ tuổi nào, nếu đi từ lúc nhỏ thì nay ông có thông thạo tiếng Việt hay không. Để dịch tiếng Đức sang tiếng Việt đương nhiên người dịch phải thông thạo tiếng Việt. Bạn nói chú liên hệ đến Phòng Tư pháp nơi cư trú để được hướng dẫn và giải quyết.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng