07:02, 06/02/2018

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Vợ tôi là giám đốc một công ty, có thu nhập cao, bản thân tôi chỉ buôn bán nhỏ kết hợp giúp việc gia đình và nuôi đứa con bị khuyết tật. Nay ly hôn thì việc chia tài sản có được chia đều không?

 

Hỏi: Vợ tôi là giám đốc một công ty, có thu nhập cao, bản thân tôi chỉ buôn bán nhỏ kết hợp giúp việc gia đình và nuôi đứa con bị khuyết tật. Nay ly hôn thì việc chia tài sản có được chia đều không?


Trịnh Văn Cương (Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa)


Trả lời: Pháp luật về hôn nhân và gia đình ghi nhận quyền tự thỏa thuận của vợ chồng về các vấn đề khi ly hôn, trong đó có việc phân chia tài sản chung. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì tòa án sẽ xem xét, quyết định.


Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình, theo  Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, việc chia tài sản khi ly hôn với trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, về nguyên tắc tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:


a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: Là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.


b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: Là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.


c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: Là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.


d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG