Hỏi: Khi giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án, tòa án có thẩm quyền hủy, kiến nghị hủy hoặc kiến nghị điều chỉnh quyết định cưỡng chế thi hành án không?
Lê Thị C. (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang)
Hỏi: Khi giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án, tòa án có thẩm quyền hủy, kiến nghị hủy hoặc kiến nghị điều chỉnh quyết định cưỡng chế thi hành án không?
Lê Thị C. (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang)
Trả lời: Theo Khoản 12 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự 2014 thì tòa án chỉ xem xét giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án; tòa án không giải quyết việc cưỡng chế thi hành án đúng hay sai. Do đó, tòa án không được thụ lý yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế thi hành án.
Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quyết định cưỡng chế thi hành án cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 140, Khoản 1 Điều 160 Luật Thi hành án dân sự, họ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên; viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại, kháng nghị được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, khi giải quyết tranh chấp quyền sở hữu liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án, tòa án không có quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án như một quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Việc thụ lý giải quyết yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế thi hành án (nếu có) là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự sẽ bị hủy án theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà