Công ty có phát sinh hàng hóa đã bán ra, đã xuất hóa đơn và kê khai thuế, sau đó bị trả lại một phần từ bên mua là đối tượng không có hóa đơn thì việc xử lý hóa đơn và khai điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với hàng bán bị trả lại được thực hiện thế nào?
Hỏi: Công ty có phát sinh hàng hóa đã bán ra, đã xuất hóa đơn và kê khai thuế, sau đó bị trả lại một phần từ bên mua là đối tượng không có hóa đơn thì việc xử lý hóa đơn và khai điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng bán bị trả lại được thực hiện thế nào?
Trả lời: Trường hợp công ty có phát sinh hàng hóa đã bán ra, đã xuất hóa đơn và kê khai thuế, nhưng sau đó bị trả lại một phần từ bên mua là đối tượng không có hóa đơn thì việc xử lý hóa đơn và khai điều chỉnh thuế GTGT đối với hàng bán bị trả lại được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 20 và Điểm 2.8 Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:
Khi bên mua trả lại một phần hàng hóa, công ty và bên mua lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị phần hàng hóa bị trả lại với giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn GTGT mà công ty đã xuất (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả lại một phần hàng hóa.
Căn cứ biên bản đã lập nêu trên, công ty lập hóa đơn điều chỉnh ghi rõ điều chỉnh giảm số lượng hàng hóa, đơn giá bán, giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT (tương ứng với phần hàng hóa bị trả lại) cho hóa đơn GTGT mà công ty đã xuất trước đây (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn). Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, công ty thực hiện kê khai điều chỉnh giảm doanh số bán, thuế GTGT đầu ra tại kỳ khai thuế GTGT có phát sinh hàng hóa bị trả lại.
THÙY TRANG - THANH TÚ
(Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh)