Hỏi: Khi con tôi đang sang đường thì một người đi xe máy tông vào phía sau. Người tông bị thương khá nặng, cả 2 xe đều hư hỏng. Anh ta cho rằng con tôi qua đường sai luật, trong khi nhiều người chứng kiến cho biết, người này đã chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm. Anh ta đòi chúng tôi phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị vết thương và sửa chữa xe là 40 triệu đồng. Xin hỏi pháp luật quy định việc này như thế nào?
Lê Công Sơn (TP. Nha Trang)
Hỏi: Khi con tôi đang sang đường thì một người đi xe máy tông vào phía sau. Người tông bị thương khá nặng, cả 2 xe đều hư hỏng. Anh ta cho rằng con tôi qua đường sai luật, trong khi nhiều người chứng kiến cho biết, người này đã chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm. Anh ta đòi chúng tôi phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị vết thương và sửa chữa xe là 40 triệu đồng. Xin hỏi pháp luật quy định việc này như thế nào?
Lê Công Sơn (TP. Nha Trang)
Trả lời: Theo Bộ luật Dân sự 2005, đây được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm này phát sinh khi có thiệt hại xảy ra (gồm các loại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín của cá nhân và của tổ chức bị xâm phạm), hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật và người gây thiệt hại phải có lỗi.
Theo thư trình bày, việc gây ra tai nạn giao thông chỉ là ý kiến của các bên chứ không phải cơ quan chức năng nên cũng không thể dựa vào đó để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của mỗi bên hay chưa. Tuy nhiên, giả sử trình bày trên là đúng và được các bên thừa nhận thì sẽ phải xét đến lỗi của các bên. Trong trường hợp này, nếu con ông qua đường sai quy định trong khi người tông cũng điều khiển xe quá tốc độ quy định thì cả 2 bên cùng có lỗi. Bộ luật Dân sự 2005 quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi như sau: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.
Trong trường hợp cả hai bên đều có lỗi thì mỗi bên sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Nếu không xác định mức độ lỗi của mỗi bên thì mỗi bên chịu trách nhiệm theo phần bằng nhau. Vì pháp luật chưa quy định rõ vấn đề này nên thông thường các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Luật gia Minh Hương